Đời Sống Việt

“Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu...”

Wednesday, 25/05/2016 - 08:22:45

Và đúng như Trịnh Kim Tiến đã viết, cuối cùng với hình ảnh rõ ràng những tên kẹp cổ, đánh đập người dân đã bị người dân nhận diện và phổ biến trên mạng tên tuổi chức vụ trong quân đội và cả nơi chúng đóng quân. Đúng là tai mắt nhân dân hay thiệt!

( Viết nhân dịp tham dự đêm văn nghệ thắp nến để yểm trợ đồng bào trong nước biểu tình bảo vệ môi sinh tại tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Nam CA, tối ngày 21/5/16)

Phượng Vũ

"Đất nước mình ngộ quá phải không anh...
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Trong bối cảnh cả nước đang hoang mang, bất mãn vì thảm họa cá chết tại các vùng biển Miền Trun, sinh mạng người dân đang bị đe dọa nhưng chính quyền thì vẫn làm lơ, bài thơ"Đất nước mình ngộquá phải không anh" của cô giáo Trần Thị Lam (Hà Tĩnh) xuất hiện. Nó bỗng trở thành tiếng chuông thức tỉnh nhẹ nhàng nhưng vang xa. Bài thơ lập tức đã nhận được sự chia sẻ mạnh mẽ của cộng đồng mạng vì đã nói lên nỗi lòng của người Việt đối với đất nước mình và đã làm xúc động hàng triệu người Việt, từ trong nước ra tới hải ngoại. Có lẽ cũng trong tâm tình xúc động vì “Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...” nên mấy tuần nay đồng bào Nam CA đã liên tiếp tự giác đứng lên tổ chức những cuộc tuần hành, những đêm văn nghệ đấu tranh, thắp nến để cầu nguyện và đồng hành với đồng bào trong nước



Tôi đang lái xe về nhà sau một cuộc họp với nhóm thân hữu ở nhà thờ thì tình cờ bắt gặp cảnh đồng bào đang tụ tập ở tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ để tổ chức một đêm văn nghệ thắp nến ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước về hiểm họa môi trường... Khi tôi chen vào tham dự thì chương trình đã bắt đầu khoảng 15 phút, không còn 1 chiếc ghế trống nào. Mọi người đang háo hức tham dự văn nghệ và giơ cao hằng loạt biểu ngữ: “Dân Việt Cần Cá”, “Formosa cút khỏi Việt Nam” “Dân Việt đoàn kết lại để cứu Biển”... Ở trên sân khấu của tượng đài Việt Mỹ, về phía bên tay trái, một băng rôn với hàng chữ lớn “ Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch. Biểu tình là quyền chính đáng của người dân". Tôi quay qua quay lại để tìm xem có chiếc ghế trống nào không thì gặp một ông cụ tóc bạc phơ, cổ quấn khăn len dày với màu cờ VNCH, đang giơ cao biểu ngữ “Im lặng là đồng lõa với tội ác” Tôi chú ý tới khẩu hiệu của ông cụ, xem ra rất nhiều ý nghĩa. Tôi hỏi " Cụ ơi! vì sao cụ chọn khẩu hiệu này?" Với giọng khàn khàn cụ trả lời:

- Trong khi đồng bào trong nước đang đói khổ, cần lên tiếng đấu tranh vì quyền con người thì “Im lặng là đồng lõa với tội ác” chứ còn gì nữa. Tôi tuy già yếu cũng phải “lên tiếng” theo khả năng của mình, chứ làm sao mà mình đành lòng làm lơ, như bọn Cộng Sản cầm quyền VN cho được, vì dù gì mình cũng còn là con người. Con vật mà còn biết "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ", mình phải hơn con vật chứ cô.

Nghe tiếng cụ ho húng hắng, tôi ái ngại hỏi:

- Ngoài này trời tối, gió lạnh. Sao cụ không ngồi nhà xem ti vi trực tiếp truyền hình cũng được. Ra đây lạnh quá, lỡ bị bịnh thì sao?

- Tôi cũng đã thủ rồi, mặc áo ấm dày, có khăn quấn cổ cẩn thận lại đội thêm nón nên chắc không sao. Mình chịu lạnh, chịu cực chút xíu đâu có nhằm nhò gì với dân trong nước đi biểu tình ôn hòa mà bị mấy thằng áo xanh nó đánh đập, kẹp cổ...tôi thấy đau lòng quá, nên phải ra đây góp mặt với đồng hương

Nghe cụ nhắc tới "mấy thằng áo xanh" tôi nhớ lại ý kiến của Trịnh Kim Tiến: Quân đội được nhà nước lập ra với một lý do duy nhất là để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ dân lành, chống lại quân xâm lược. Vậy mà ngày hôm nay chúng ta lại có thể chứng kiến hình ảnh người quân nhân trong trang phục thanh niên xung phong, dùng những kĩ năng được huấn luyện trong quân đội để đánh đập, đàn áp người dân tay không tấc sắt.

Trước những hàng rào người đầy ác ý, với những động tác bóp cổ, bẻ tay chớp nhoáng, thuần thục quăng người tuần hành ôn hòa lên xe buýt, trước những hình ảnh thông tin trên mạng xã hội cung cấp liệu chúng ta có nên tin rằng họ chỉ là những thanh niên xung phong bình thường hay không?

Ai đã cho phép sử dụng người lính như những tay đánh thuê đánh mướn đàn áp người dân trong đợt tuần hành vì môi trường ở Saigon?

Và đúng như Trịnh Kim Tiến đã viết, cuối cùng với hình ảnh rõ ràng những tên kẹp cổ, đánh đập người dân đã bị người dân nhận diện và phổ biến trên mạng tên tuổi chức vụ trong quân đội và cả nơi chúng đóng quân. Đúng là tai mắt nhân dân hay thiệt!



Trên sân khấu các ca sĩ đang lần lượt trình bày những bài hát đấu tranh, một ca sĩ đang trình bày bài hát "Anh là ai?" của nhạc sĩ trẻ Việt Khang sáng tác đã lâu, nhưng sao nghe như còn "nóng hổi" với những câu hỏi không lời giải đáp làm nhức nhối lòng người:

Xin hỏi anh là ai?

Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!

Đồng bào đã tán thưởng nhiệt liệt vì bài hát quá ý nghĩa. MC giới thiệu tiếp một bài hát khác của Việt Khang: “Việt Nam tôi đâu?”:

"Từng đoàn người đi, chẳng nề chi

Già trẻ gái trai, giơ cao tay
Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược
Bán nước Việt Nam.

Vì 2 bài hát “Anh là ai?” và "Việt Nam tôi đâu?" mà người nhạc sĩ trẻ Việt Khang đã bị xử án 7 năm tù, và bây giờ anh vẫn còn đang thọ án. Đúng là: “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang!” Lời bài hát nghe sao day dứt vì thực tế cho thấy càng lúc nó càng đến gần, khi nhìn lại bản đồ Việt Nam từ bắc vô nam có đến 17 khoanh vùng đặc quyền của Trung Quốc, người Việt Nam bị cấm lai vãng

"Giờ đây

Việt nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta

Mới đây, từ thảm họa môi sinh kinh hoàng xảy ra ở Vũng Áng, nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng Formosa Hà Tĩnh chỉ là công ty Đài Loan. Thế nhưng tiết lộ trên trang web mang tên Trần Đại Quang, tên của chủ tịch nước hiện tại ở Việt Nam, cho biết hệ thống đó hoàn toàn là của Trung Quốc. Tin cho biết, theo công văn số 1407114 của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề đạt với chính quyền Hà Tĩnh về số lượng nhà thầu làm việc cho hệ thống này, thì trong số 28 công ty thầu, đã có đến 25 công ty Trung Quốc (không phải Đài Loan), chỉ có 3 công ty Việt Nam. Số lượng công nhân Trung Quốc cũng lên đến 10.000 người.
Chưa bao giờ trên trên toàn Việt Nam, nỗi sợ hãi có tên gọi Trung Quốc đang hình thành rõ như vậy, bao gồm thực phẩm, hàng hóa, văn hóa mới, môi trường, chính trị... Khắp nơi, một cuộc chiến không tiếng súng đang diễn ra nhưng thất bại luôn thuộc về con người Việt Nam.

Trên sân khấu, MC đang giới thiệu bài hát mới có lẽ là trọng tâm của buổi văn nghệ đấu tranh hôm nay. Bài hát được ca sĩ Phượng Mai (trẻ) phổ nhạc từ bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?" Cô tâm sự buổi sáng đó 6 giờ sáng thức dậy, khi đọc được bài thơ đó trên mạng, cô đã khóc ròng. Trong nỗi xúc động, cô đã ngồi phổ nhạc bài thơ liền và bây giờ cô xin được hát cho mọi người cùng nghe:

...Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

Lời bài hát ngân nga một điệu buồn dân tộc làm xúc động lòng những ai còn quan tâm tới tình hình đất nước. Mới rồi tôi đi nhà thờ và nghe cha giảng đọc lại bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" với nỗi xúc động sâu xa. Sau đó cha kêu gọi mọi người góp một bàn tay trong việc gây quỹ giúp đồng bào miền Trung đang đói khổ. Tuần trước có các em thiếu nhi nấu thức ăn bán để gây quỹ và tuần này thì có tiệc tổ chức gậy quỹ ở nhà hàng để có tiền giúp đỡ đồng bào miền Trung. Tôi hoan nghênh những hành động cụ thể thay vì chỉ nói suông.

Câu hỏi cuối bài thơ như dành cho tất cả mọi người Việt Nam trên toàn thế giới còn có nhịp tim đập chung nhịp với dân tộc:

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu?

Bài thơ đã vang vọng lan đi khắp 5 châu, trang facebook Sài Gòn Báo đã có tổ chức cuộc thi phổ nhạc từ bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh” của cô giáo Trần Thị Lam tại Hà Tĩnh. Trong những ngày qua, trang này đã lần lượt đăng tải rất nhiều tác phẩm dự thi. Thành phần tham dự là người Việt ở khắp nơi trên thế giới, từ Việt Nam cho đến Mỹ, Pháp, Úc... Cảm giác chung khi nghe tất cả các tác phẩm này là một niềm cảm thông sâu sắc đối với bài thơ thắm đẫm lòng yêu nước này. Và qua đó, cũng là nỗi niềm trăn trở với vận mệnh tổ quốc Việt Nam đang bị đầu độc về mọi phương diện.

Tất cả đều mang một thông điệp chung, đó là niềm thương cảm cho một quê hương Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam. Đó cũng là những lời cảnh tỉnh gởi đến với mỗi người dân Việt Nam: hãy đứng lên đòi lại quyền được sống trong một môi trường trong sạch, trong một quốc gia mà chính phủ phải minh bạch. Nếu không, ngày thảm họa lan tỏa ra toàn đất nước Việt Nam sẽ không còn xa...

Dân số Việt Nam hiện nay là trên 90 triệu người và hơn phân nửa trong số đó sinh ra sau 75 hoặc là còn quá nhỏ lúc đó. Vì thế với các em kiến thức về cuộc chiến tranh Quốc Cộng rất mù mờ, các em chưa phân biệt rõ thực hư, nên đa số các em không nhiệt tình trong các cuộc đấu tranh, biểu tình đòi hỏi tự do và nhân quyền của đất nước. Nhưng bây giờ trước thảm họa cá chết hằng loạt ở miền Trung, người dân khắp nơi nôn nóng xuống đường đòi quyền được sống trong môi trường trong sạch, nhưng họ đã bị đánh sưng mặt , bể đầu. Chính quyền thì thờ ơ hoặc trả lời với những câu vô ý thức. Tất cả đã vạch rõ bộ mặt bất nhân gian ác của nhà cầm quyền, nên lần này giới trẻ đã vào cuộc một cách mạnh mẽ. Các em đã dùng những phương tiện truyền thông qua mạng xã hội để kêu gọi nhau đi biểu tình, để ghi nhận những hình ảnh đánh đập người dân dã man và phổ biến trên you tube làm cho nhà cầm quyền không thể chối cãi được. Bài thơ của cô giáo Lam đã phổ biến qua facebook và biết bao nhiêu bài thơ giới trẻ họa lại cũng qua facebook. Những cuộc biểu tình tuần hành cơ động xuống đường, bây giờ đa số là giới trẻ xuất hiện linh động tùy theo tình hình đàn áp của chính quyền. Các em có những sáng kiến để đối phó như khi các biểu ngữ bị tịch thu, thì các em vẽ hình bộ xương cá ngay trên mặt mình, đàn áp chỗ này, các em xuất hiện chỗ kia. Mới đây tôi vừa xem được 1 video clip do 2 bạn trẻ ở Huế ra tận Vũng Ánh quay phim và soạn lời nhạc chế (theo điệu rock) cùng nhiều bạn trẻ khác tham gia hát với tựa đề “Chuyện Thật Bất Ngờ”. Hình ảnh trong đoạn video clip phơi bày những thực trạng khốn khổ trên quê hương tang thương hòa với lời kêu gọi “Xin đừng thờ ơ, hãy cùng nhau lên tiếng và chung tay bảo vệ môi trường...”. Các em đã bước qua nỗi sợ hãi để mạnh dạn lên tiếng cho quyền chính đáng của con người như Việt Khang, Trần Huỳnh Duy Thức, Mẹ Nấm... dù đã có hơi cay, đã có máu đổ, và bất kể phụ nữ, trẻ em! Hay nói khác đi như Phạm Thanh Nghiên:

- Hãy đi cùng tôi trên con đường nhiều sợ hãi. Hãy tiếp tục xuống đường tuần hành ôn hòa, yêu cầu nhà cầm quyền bạch hóa các thông tin về thảm họa môi trường. Hãy đi cùng tôi. Để bạn, tôi và 90 triệu đồng bào thương yêu của chúng ta không phải sống mà như đã chết như những con cá phơi xác trên bờ biển Đông kia. Chúng ta không thể là những người suốt đời bị dẫn dắt, bịt mắt, che tai và lầm lũi đi như những con cừu sợ hãi.

MC vừa cho biết để tránh tình trạng “là những người suốt đời bị dẫn dắt, bịt mắt, che tai và lầm lũi đi như những con cừu sợ hãi.” nên nhạc sĩ Tuấn Khanh (trẻ) trong nước mới sáng tác bài hát “Hãy gấp trang báo, và tắt tivi” và nó đang được lan rộng khắp nơi:
"Tôi đã thấy dân tộc mình có tên gọi tự do
Và tôi cũng thấy đời ngư dân ra khơi trong phiền lo
Việt Nam (x 2) là Việt Nam
Hãy gấp trang báo
Hãy tắt Tivi
Để thấy quanh ta chỉ là những trò hề...

Mở mắt đi nhé
Hãy lắng tai nghe...

Tôi đã thấy đất nước mình được gọi tên là thiên đường
Và tôi cũng thấy người yêu nước tôi đang khóc trước bạo cường
Và tôi thấy kẻ thù nào đang muốn bóp chết quê hương
Và tôi cũng thấy con tin mình như thúc giục lên đường
Việt Nam (x 2) là Việt Nam
Tối nay trên sân khấu này, đa số là các bạn trẻ lên hát những bài hát cho quê hương, kể cả MC, họ bày tỏ tấm lòng tha thiết muốn làm điều gì đó cho dân tộc mình. Cám ơn các em thật nhiều, các em đã làm chúng tôi vững tin hơn về tương lai của Việt Nam. Trên sân khấu MC vừa cho biết theo tin từ trong nước mới nhận được, nhiều người đã từ chối đi bầu cử quốc hội, có người đã mạnh dạn xé bỏ lá phiếu, vì những người uy tín có lòng với quê hương tự ra ứng cử đều đã bị loại trừ, nên họ không muốn tham gia trò hề lố bịch đó nữa. một nhà giáo cho biết: "Cá chết, biển miền trung bị nhiễm độc nặng vẫn chưa biết nguyên nhân. Không thấy đại biểu quốc hội nào hé răng". Do đó Nguyễn Đình Hoài Việt đã trả lời bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" như sau:

Đất nước mình ngộ quá phải không em?

Bốn ngàn năm quốc hội vẫn bù nhìn
Nhưng không thể, em ơi còn hơi thở
Anh và em thề quyết giữ niềm tin.

Đứng lâu mỏi chân, tôi đi lòng vòng tìm chỗ ngồi thì có 1 sinh viên đứng dậy nhường chỗ cho tôi, tôi cám ơn và hỏi thăm em thì mới biết em mới sang định cư. Trước đây em là sinh viên tham gia tranhđấuở trong nước, hôm nay tham dự buổi thắp nến với đồng bào, em rất cảm động và cho biết, "Khi ở trong nước nhìn thấy những hình ảnh các cô chú bác ở Hải Ngoại biểu tình, hỗ trợ tinh thầncho chúng con những người tranh đấu ở trong nước, chúng con cảm thấy ấm lòng và lên tinh thần vô cùng. Hôm nay con đến đây tham dự với quý cô chú bác ở đây, hướng về quê hươngđangđau khổ con thấy vui mừng phấn khởi lắm. Con biếtđồng bào trong nướcđang mong chờ..."

BTC kêu gọi mọi người đứng lên để chuẩn bị cho nghi thức thắp nến và cầu nguyện cho quê hương. Nến được phát ra, mỗi người cầm nến trong tay, ánh nến tuy nhỏ nhoi, nhưng trong đêm tối nó cũng đủ ánh sáng để soi lối cho ta bước đi khỏi vấp té, khỏi bước sai đường. Xin Thượng đế hợp nhất những ánh nến nhỏ nhoi của từng người chúng con đêm nay để biến thành ngọn đuốc to rực sáng trên quê hương chúng con một ngày không xa, để dân tộc chúng con được bước ra khỏi bóng đêm của sự gian ác, bất công tù đày hãm hại... Tôi bỗng nhớ lại biến cố long trời lở đất của cuộc cách mạng Hoa Lài, là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất, đã bắt nguồn từ ngọn đuốc sinh viên Mohamed Buoazizi, 26 tuổi. Anh tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được việc làm nên đành kiếm sống bằng cách bán rau và trái cây, bị cảnh sát tịch thu với lý do “không có giấy phép” nhưng thực ra là vì không có tiền để hối lộ! Vì căm phẫn, anh đã chọn cái chết tức tưởi để phản đối. Dù cái chết là cá nhân nhưng đã là ngòi nổ làm bùng nổ cách mạng, vì sức chịu đựng của người Tunisia đã vượt quá giới hạn. Và chế độ độc tài Zine El Abidine Ben Ali phải cáo chung chỉ sau 3 tuần lễ biến động! Chỉ ngọn đuốc cá nhân Mohamed Buoazizi của Tunisia đã đủ để một thể chế độc tài sụp đổ, còn với hàng triệu người Việt Nam trước thảm họa môi trường đang diễn ra trên cả nước... Hy vọng lắm thay!

Tôi quay nhìn ra sau và bắt gặp một khuôn mặt du ca quen thuộc, chị ngoắc tay kêu tôi đến ngồi bên chị. BTC đang phát những tờ bài hát để kêu gọi mọi người cùng hát chung bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của tác giả Nguyễn Đức Quang. Tôi nhận một tờ hát nhưng chị bạn đã lên tiếng: "Bài này là bài tủ của Du Ca, tụi mình thuộc quá rồi, cần gì bài hát nữa"- "Thôi kệ, nhận cho chắc ăn, lỡ quên sao và để tự tin mà hát cho hùng mạnh chứ!". Đúng là những bài hát Du ca lúc này cần thiết cho các phong trào đấu tranh cho quê hương thêm sôi nổi và can trường
"Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng..."
Kết thúc đêm thắp nến là bài hát “Stand by me” do 1 ca sĩ trẻ hát, giọng anh nồng ấm mãnh liệt, như tượng trưng cho tinh thần của giới trẻ Việt Nam hiện nay:

When the night has come
And the land is dark
And the moon is the only light we'll see
No I won't be afraid
Oh, I won't be afraid
Just as long as you stand, stand by me

Đó có lẽ cũng là lời nhắn gửi của đồng bào trong nước, anh vừa hát vừa kêu gọi mọi người đứng lên chung quanh anh. Và thế là dòng người tuôn lên bao quanh anh, vừa đưa cao những khẩu hiệu bảo vệ môi trường và quyền làm người, rồi cùng cất lên lời hát chung thật to, thật cảm động;

" ...Stand by me, oh stand by me

Oh stand, stand by me
Stand by me

Một hình ảnh biểu tượng thật cảm động và thật đẹp!
Trời đã thật khuya, trước khi ra về tôi vội xếp lại chiếc ghế mình đang ngồi và vài ghế chung quanh, nhìn ra không dè mọi người cũng đang tự động xếp nhiều ghế lại và một số bạn trẻ đã khiêng lại chất thành đống dù không có lời kêu gọi nào từ BTC. Dù trời đang rất lạnh, nhưng tôi cảm nhận một tình người ấm áp vây quanh khi mỗi người đều biết nghỉ đến người khác. Khi dân Việt Nam còn biết quan tâm đến nhau, lo cho nhau thì có lẽ niềm hy vọng của anh B.Q.V. khi trả lời câu cuối bài thơ “Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâuà” sẽ sớm trở thành hiện thực không xa:

Đất nước mình sẽ không lạ đâu em
Đêm qua hết trời nước rồi lại sáng
Đến một ngày sẽ không còn bóng Đảng
Dân của mình sẽ “chịu lớn” mà em

Mong lắm thay!

Little Saigon, Nam California

Phượng Vũ
5/2016

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT