Hoa Kỳ

Ai thắng, ai thua trong quyết định của Trump về hiệp ước Paris?

Friday, 02/06/2017 - 08:41:29

Nhìn vào trong nội bộ của chính phủ Trump, một ngày sau khi ông Trump tuyên bố quyết định Hoa Kỳ không tham dự hiệp ước Paris, giới truyền thông đã phân tích và cho thấy những nhân vật được xem là thắng và thua được thấy rõ ràng nhất.

 



Steve Bannon rời Vườn Hồng sau khi ông Trump thông báo quyết định đưa Mỹ ra khỏi hiệp ước Paris chiều thứ Năm tại Hoa Thịnh Đốn. (Chip Somodevilla/ Getty Images)

HOA THỊNH ĐỐN - Quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris đã gây chia rẽ trong Nội Các cũng như gia đình của Tổng Thống Donald Trump. Đó là chưa kể sự chỉ trích từ các đại công ty Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia trên thế giới về việc Hoa Kỳ không còn là quốc gia lãnh đạo thế giới trong vai trò làm sạch Trái Đất, làm sạch bầu không khí cho hàng tỉ người cần hít thở mỗi ngày.



Phản đối quyết định của Trump
Các thành viên của Đảng Xanh Đức đang biểu tình bên ngoài Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bá Linh ngày thứ Sáu, một ngày sau khi Tổng Thống Donald Trump thông báo ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Ước Khí Hậu Paris từng được 195 quốc gia ký kết vào năm 2015. Biểu ngữ của những người này có nghĩa là “Ông Trump chống lại Trái Đất.” (Sean Gallup/ Getty Images)

Nhìn vào trong nội bộ của chính phủ Trump, một ngày sau khi ông Trump tuyên bố quyết định Hoa Kỳ không tham dự hiệp ước Paris, giới truyền thông đã phân tích và cho thấy những nhân vật được xem là thắng và thua được thấy rõ ràng nhất.

Stephen Bannon thắng

Mới mấy tuần trước đây, vai trò của ông Stephen Bannon đã được xem như không còn ảnh hưởng là bao nhiêu, bị bỏ mặc cho chết ngắc trong phủ tổng thống luôn náo động từ ngày ông Trump đến đây. Thế nhưng giờ đây Bannon đã hồi phục sinh khí trở lại, xuất hiện ngay trước mặt mọi người, rất khó tránh khỏi, trong buổi họp báo của Tổng Thống Trump tại Vườn Hồng chiều thứ Năm.

Ông Bannon vẫn còn giữ chức trưởng chiến lược gia chính trị của ông Trump. Trong bài diễn văn quan trọng, ông Trump tuyên bố rằng quyết định của ông là trở về với chủ đề “Người Mỹ Trước Tiên” từng giúp ông đắc cử vào năm ngoái. Ông Bannon đóng vai trò chủ yếu trong chính sách “Người Mỹ Trước Tiên” này, giúp ông Trump lấy được phiếu tại các tiểu bang nặng về kỹ nghệ tại miền nam và trung tây, nơi mà sức cạnh tranh với thế giới đã bị yếu đi.

Chỉ mới mấy tuần trước đây, hầu như ai cũng tưởng rằng Bannon đang bị loại dần dần ra khỏi vòng ảnh hưởng của ông Trump, nhất là trước sự cạnh tranh với Jared Kushner, con rể của ông Trump.
Sự việc ông Trump chọn rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước Paris cho thấy Bannon không chỉ đã trở về sân khấu mà còn hạ các đối thủ Jared Kushner, Ivanka Trump (con gái ông Trump và là vợ của Kushner), và Gary Cohn trong nội bộ thân tín của Trump.

Scott Pruitt thắng
Ông này đang lãnh đạo của cơ quan bảo vệ môi trường EPA (Environmental Protection Agency. Scott Pruitt được Trump đưa vào chức bộ trưởng EPA chỉ với mục đích là diệt trừ khả năng của cơ quan này, để cho các công ty có thể hoạt động có lợi về tài chánh nhiều hơn, không bị trói buộc bởi các quy định do EPA đưa ra. 
Như Bannon, ông Pruitt thắng những viên chức khác có tiếng nói lớn trong Nội Các của Trump, như Ngoại Trưởng State Rex Tillerson.

Scott Pruitt được Trump tưởng thưởng với cơ hội được phát biểu tại Vườn Hồng sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ không còn tham gia hiệp ước Paris. Vào trưa thứ Sáu, ông Pruitt còn được xuất hiện thêm một lần nữa trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.

Mitch McConnell và khối bảo thủ trong Quốc Hội thắng

Nghị Sĩ Mitch McConnell, người đang giữ chức lãnh tụ đa số tại Thượng Viện, cũng được xem là kẻ thắng trong quyết định của ông Trump. Quyết định của Trump được hưởng ứng mạnh bởi các nghị sĩ và dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa.

Ông Mitch McConnell đại diện tiểu bang Kentucky, một nơi có ngành khai thác than đá và được ông bảo vệ mạnh mẽ chống lại những quy luật bảo vệ khí khải do than đá gây ra.

Mấy ngày trước, ông McConnell cùng 21 chính khách Cộng Hòa khác đã gởi thư kêu gọi Trump hãy đưa Mỹ ra khỏi hiệp ước bảo vệ khí hậu Trái Đất. 

Không chỉ trong ngày thứ Năm, qua ngày thứ Sáu ông Mitch McConnell cùng các nghị sĩ và dân biểu Cộng Hòa đã tiếp tục ca ngợi quyết định của ông Trump.


Vợ chồng Jared Kushner - Ivanka Trump và ông Steve Bannon tại Tòa Bạch Ốc trong tháng Hai. (Mario Tama/ Getty Images)

Vợ chồng Ivanka Trump và Jared Kushner thua

Con gái và con rể của ông Trump đã được xem là những người đang có thế lực nhất tại Tòa Bạch Ốc. Thế nhưng quyết định về hiệp ước Paris cho thấy quyền lực của hai người này với ông Trump cũng có giới hạn.
Cặp Ivanka và Jared Kushner đã vắng mặt một cách thấy rõ trong buổi họp báo của ông Trump chiều thứ Năm tại Vườn Hồng. Cô Ivanka Trump viện lý do là phải ở nhà để dự lễ Shavuot của người Do Thái, còn anh Kushner thì có ghé Tòa Bạch Ốc vào buổi sáng thứ Năm để dự một cuộc họp, (và cần phải đi đâu đó) nên không thể ở lại dự cuộc họp báo lịch sử của cha vợ.

Trong mấy tháng qua, cặp vợ chồng thân thiết với ông Trump này đã vận động tổng thống, mong rằng ông giữ Hoa Kỳ lại trong hiệp ước. Cô Ivanka Trump còn mời cả cựu tổng thống Al Gore đến tòa nhà Trump Tower đề trình bày lý do tại sao ông Trump nên giữ hiệp ước Paris.

Vì vậy trong một thời gian, người ta thấy ông Trump còn phân vân, không biết chọn lựa đi hướng nào với hiệp ước. Cuối cùng ông chọn giữ lời hứa mà ông từng đưa ra trong cuộc vận tranh cử vào năm ngoái.
Vì sự thắng thế của hai nhân vật Bannon và Pruitt trong cuộc tranh giành thế lực này, người ta nhận ra rằng con gái ông Trump và anh con rể đang giữ chức cố vấn cao cấp không thể nào giữ vai trò trung lập trong chính phủ của Trump.

Rex Tillerson thua đau

Một người khác cũng thua trong quyết định của Trump là ông Rex Tillerson, cựu tổng giám đốc của hãng xăng Exxon và nay đang giữ chức ngoại trưởng. Ông này sẽ có quyền hành hơn nếu Hoa Kỳ còn ở lại với thỏa ước Paris.

Kể từ khi ông Tillerson được chức ngoại trưởng trong tháng Hai, dư luận đã thắc mắc về tầm ảnh hưởng của ông trong chính phủ Trump.

Ông Trump từng tuyên bố là sẽ “róc thịt” Bộ Ngoại Giao đến tận xương tủy, cắt giảm tài chánh cũng như nhân sự cho cơ quan rất quan trọng này, vì ông không mấy tin tưởng ở cách thức dùng ngoại giao để giải quyết những xung đột trên thế giới.

Ông Tillerson đã khuyên ông Trump hãy giữ hiệp ước Paris vì nó sẽ giúp Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh hơn, uy tín hơn trong nhiều vấn đề trên thế giới, chưa kể vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến bảo vệ môi trường mà nay Trung Cộng đang được thừa hưởng vì Mỹ không muốn năm vai trò này.

Các quốc gia đồng minh Âu Châu cũng thua

Trong tuần qua, khi ông Trump có mặt tại các nước Âu Châu, các quốc gia đồng minh đã nhân cơ hội này muốn thuyết phục ông hãy giữ hiệp ước Paris. Ngay cả Đức Giáo Hoàng Francis cũng tặng ông Trump một cuốn sách nói về tình trạng biến đổi khí hậu, như muốn khuyến khích tổng thống Mỹ hãy giữ vai trò tiên phong cho các nước cùng đi theo.

Thế nhưng mọi lời khuyên đều vô ích. Giờ đây các nước Pháp, Đức và Bỉ đang lo lắng, chưa biết phải đối phó thế nào trước sự thách thức của vị tổng thống của một nước mạnh nhất thế giới, khi ông từng cho rằng Trái Đất không có tình trạng biến đổi khí hậu và Hoa Kỳ không thể nào chịu thiệt thòi trong nỗ lực làm cho đất nước mạnh hơn, cho dù phải gây hại cho môi trường sinh sống của nhân loại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT