Đạo và Đời

Ai hơn ai?

Thursday, 05/10/2017 - 03:31:07

Chúa Giêsu đã kết luận và nói thẳng với những người cầm quyền Do Thái rằng, “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước Trời trước các ông.”

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Trong dụ ngôn hai người con của bài tường thuật Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này, Chúa muốn dạy cho chúng ta điều gì?
Chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh dẫn đến giáo huấn Chúa muốn gởi tới trong dụ ngôn này: Người Do Thái nhất là những thượng tế, kỳ lão, luật sĩ và biệt phái thường vẫn tự hào rằng họ là con cháu của Abraham, họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, họ là những người biết thực hành lề luật của Môisen, cho nên họ phải là những người ưu tuyển của Nước Trời.

Còn các dân tộc khác thường được gọi là Dân Ngoại, hay hạng tội lỗi như những người thu thuế và bọn đĩ điếm thì sẽ không được tuyển chọn để được hưởng ơn cứu độ. Để sửa lại quan niệm đó, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn hai người con đáp lại lệnh truyền của người cha. Khi người cha sai người con thứ nhất đi làm vườn nho cho ông, nó nói là nó không muốn đi, nhưng sau nó ân hận và đi làm theo ý người cha. Còn người con thứ hai, để cho người cha vui lòng ngay lúc bấy giờ, nó nói là nó sẽ đi, nhưng sau lại không đi. Vậy ai trong hai người con này làm theo ý cha? Chắc chắn đó là người con thứ nhất.


Tranh vẽ của Eugène Burnand về chuyện ngụ ngôn (hay dụ ngôn) “Hai Người Con.”

Dụ ngôn này có ý nghĩa là: Đứa con thứ nhất tượng trưng cho dân ngoại, lúc đầu họ đã từ chối, nhưng sau hối hận, xin vâng và làm theo ý Thiên Chúa. Đứa con thứ hai đại diện cho dân Do Thái, họ mau mắn thưa vâng, nhưng trong thực tế lại không làm theo ý của Chúa.

Chúa Giêsu đã kết luận và nói thẳng với những người cầm quyền Do Thái rằng, “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước Trời trước các ông.”

Chúng ta thấy dường như chưa bao giờ Chúa nói mạnh mẽ như vậy. Điều này có vẻ như hạ nhục những người đáng kính, đáng trọng, những đấng bậc làm thầy trong dân Do Thái, khi coi họ không hơn gì những người thu thuế và đĩ điếm. Như thế, đúng như lời Chúa nói, những kẻ trước hết sẽ trở thành sau hết và những kẻ sau hết sẽ trở thành trước hết. Cái gì làm kẻ trước hết trở thành kẻ sau hết và kẻ sau hết trở thành kẻ trước hết trước nhan Chúa?

Người Kitô hữu biết rằng trước sau gì mọi người chúng ta cũng phải trình diện trước nhan Chúa trong ngày chết tức là trong ngày phán xét riêng, và trong ngày tận thế là ngày phán xét chung. Kẻ trước, người sau, sẽ phải ra trước tòa án Đấng Tối Cao, để trả lời cho những công việc mình đã làm ở nơi trần gian này. Còn vấn đề có được vào Nước Trời hay không lại là một chuyện khác.

Nhưng vào Nước Trời cũng không khó: Bọn thu thuế, bọn tội lỗi, bọn đĩ điếm… còn được vào Nước Trời thì làm sao tôi lại có thể bị loại ra ngoài? Thật sự, những bọn trên, muốn được vào Nước Trời cũng phải có điều kiện, đó là bởi vì họ đã biết ăn năn hối cải như người con trong dụ ngôn, lúc đầu không muốn làm theo mệnh lệnh của cha, nhưng sau nghĩ lại thì đã làm theo ý cha mình.

Điều này cũng để xác nhận lời của tiên tri Êgiêkiel đã nói, “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết.”

Như thế, là kẻ trước hết hay sau hết không quan trọng. Điều quan trọng là biết làm theo ý Cha Trên Trời.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT