Thế Giới

900 triệu người Á Châu phải trả tiền hối lộ trong năm 2016

Tuesday, 07/03/2017 - 08:15:28

Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, và Úc, cho biết những mức tỷ lệ hối lộ thấp nhất. Singapore không được bao gồm trong bản phúc trình ấy.


Một người bán trái cây rong ở Hà Nội. Người nghèo là thành phần bị khổ sở nhất vì nạn hối lộ tại các quốc gia Á Châu. (Hoang Dinh Nam/ Getty Images)


Hơn một phần tư trong tổng số những người sống ở Á Châu đã phải trả tiền hối lộ, khi họ tìm cách tiếp cận với một dịch vụ của chính phủ trong năm qua, theo nghiên cứu của một tổ chức chuyên theo dõi nạn tham nhũng. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ hãy diệt trừ nạn tham nhũng hối lộ hoành hành trong khu vực.

Bản phúc trình của tổ chức Transparency International (Minh Bạch Quốc Tế) tại Berlin đã khảo sát hơn 20,000 người, ở 16 quốc gia hoặc các vùng lãnh thổ, trải dài trên khu vực Á Châu-Thái Bình Dương từ Pakistan đến Úc. Từ những kết quả khảo sát, họ ước tính có 900 triệu người bị buộc phải nộp “tiền trà nước,” ít nhất một lần trong 12 tháng trước đó.

Các mức tỷ lệ hối lộ là cao nhất ở Ấn Độ và Việt Nam. Tại hai nước này, gần hai phần ba trong tổng số người được hỏi cho biết rằng họ phải đút lót để tiếp cận được với những dịch vụ căn bản, như giáo dục công cộng (vào trường học) và chăm sóc y tế (vào bệnh viện).

Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, và Úc, cho biết những mức tỷ lệ hối lộ thấp nhất. Singapore không được bao gồm trong bản phúc trình ấy.

Theo cuộc khảo sát cho biết, cảnh sát (hay công an tại Việt Nam) là những người đòi tiền hối lộ thông thường nhất. Trong số những người đã tiếp xúc với một nhân viên cảnh sát trong năm qua, chỉ chưa tới một phần ba nói rằng họ đã phải trả một khoản tiền hối lộ.

Dân nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn tham nhũng, với 38 phần trăm những người được hỏi cho biết rằng họ phải nộp tiền hối lộ. Đây là mức cao nhất trong bất kỳ thể loại thu nhập nào.

Những người nghèo hơn hầu chắc bị nhắm mục tiêu ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ, và Pakistan. Tuy nhiên, xu hướng ngược lại đã được tìm thấy ở những nơi như Việt Nam, Miến Điện, và Cam Bốt.

Khi nói tới vấn đề tham nhũng, Mã Lai Á và Việt Nam được xếp hạng tệ nhất từ các công dân của họ. Những người này cảm thấy nạn tham nhũng hối lộ diễn ra tràn lan. Họ tố cáo các chính phủ chẳng làm được gì nhiều để chống lại tệ nạn ấy.

Những vụ tai tiếng tham nhũng đã làm rung chuyển một số chính phủ ở Á Châu trong năm qua, chiếm ưu thế trên tin tức hàng đầu, và gây ra những lời phản đối.

Tổng Thống Nam Hàn Park Geun-hye (Phác Cận Huệ) đã bị quốc hội kết tội trong tháng 12 năm ngoái, trong một vụ bê bối lớn về việc mua chuộc ảnh hưởng, khiến cho hàng triệu người xuống đường trong nhiều tháng để kêu gọi bà từ chức.

Mã Lai Á cũng đã gặp phải vụ tai tiếng về tham nhũng từ năm 2015. Các điều tra viên toàn cầu tố cáo Thủ Tướng Najib Razak và các cộng sự viên của ông về việc chiếm đoạt hàng tỷ Mỹ kim, thông qua quỹ phát triển 1MDB của chính phủ.

Một bản phúc trình trong năm ngoái của một cơ quan theo dõi nạn tham nhũng cũng đã nêu chi tiết về tài sản đồ sộ, được tích lũy bởi gia đình và bạn bè của Thủ Tướng Cam Bốt Hun Sen.

Trong khi đó, Trung Quốc mở chiến dịch bài trừ tham nhũng, bắt giữ hơn một triệu quan chức. Việt Nam, cũng là nước cộng sản như Trung Quốc, cũng đã tống giam một số cựu doanh nhân vì tham nhũng trong lĩnh vực quốc doanh ở nước này.

Chính phủ quân sự Thái Lan đã thề hứa mở một chiến dịch chống tham nhũng tương tự. Nhưng cho đến nay có rất ít vụ kết án.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT