Bình Luận

6,000 Tay Súng Trở Về

Monday, 28/03/2016 - 10:26:44

Đầu năm 2014 Farook đi Saudi Arabia, một tháng sau anh thành hôn với chị Malik; hai người đã trao đổi thư từ qua internet từ trước. Sau khi thành hôn Malik theo chồng về Mỹ với visa K-1 (vị hôn); hôn thú làm tại Mỹ đề ngày 16 tháng Tám 2014. Trở thành vợ của một công dân Mỹ, Malik được cấp thẻ xanh (green card) vào tháng Bẩy 2015. Bị giết ngày mùng 2 tháng Chạp 2015, họ để lại một bé gái 6 tháng.

Nguyễn đạt Thịnh

Trong cuộc Hội Nghị Thượng Đỉnh Nguyên Tử vào 2 ngày 3/31, và 4/1/2016 sắp tới, tổng thống Obama sẽ trình bày với 50 vị quốc trưởng trên toàn thế giới về nguy cơ chung, do một số người gốc Trung Đông cư ngụ tại các quốc gia khác trên thế giới, trở về Iraq và Syria để tham dự “Thánh Chiến Hồi Giáo”.

Trong số này, 6,000 người sau khi được nhồi sọ về lý tưởng Thánh Chiến, được huấn luyện về kỹ thuật làm bom, và về chiến thuật phá hoại, đã trở lại quốc gia họ nương trú để đem Thánh Chiến về đánh tại đó. Những trận đánh này đã xẩy ra tại Hoa Kỳ, Pháp và Bỉ, dưới hình thức tấn công khủng bố. Trường hợp khủng bố mới nhất tại Hoa Kỳ xẩy ra tại thị trấn San Bernardino, bang California ngày mùng 2 tháng Chạp 2015.

                               Hai vợ chồng  anh Syed Rizwan Farook và chị Tashfeen Malik



Hai vợ chồng anh Syed Rizwan Farook và chị Tashfeen Malik, xách súng đến một cuộc hội họp mừng cuối năm của 80 nhân viên y tế quận San Bernardino xả súng vào đám đông giết 14 người và gây thương tích cho 22 người khác.

Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, là công dân Hoa Kỳ, sinh năm 1987 tại Chicago, Illinois; bố mẹ anh là những người di dân gốc Pakistan. Farook lớn lên tại Riverside, California; anh tốt nghiệp trường trung học La Sierra năm 2004, và theo học đại học tại California State University, San Bernardino, tốt nghiệp cử nhân về y tế môi trường năm 2009.

Với bằng cấp đó, Farook làm thanh tra thực phẩm tại chi y tế quận San Bernardino trong 5 năm; những người đồng nghiệp mô tả anh như một người ít nói và lễ độ.

Đầu năm 2014 Farook đi Saudi Arabia, một tháng sau anh thành hôn với chị Malik; hai người đã trao đổi thư từ qua internet từ trước. Sau khi thành hôn Malik theo chồng về Mỹ với visa K-1 (vị hôn); hôn thú làm tại Mỹ đề ngày 16 tháng Tám 2014. Trở thành vợ của một công dân Mỹ, Malik được cấp thẻ xanh (green card) vào tháng Bẩy 2015. Bị giết ngày mùng 2 tháng Chạp 2015, họ để lại một bé gái 6 tháng.

Hai tuần sau vụ khủng bố, giám đốc FBI James Coney nói, “Trước khi lấy nhau, qua thư từ trao đổi trên mạng Internet, Farook và Malik đã cam kết với nhau là sẽ phục vụ Thánh Chiến và quyết tâm tử vì đạo.”
Nhân viên FBI theo dõi và biết những cam kết khủng bố của vợ chồng Farook, nhưng lại báo cáo sai lạc là anh Farook tuyên bố tin tưởng vào thánh chiến trên những mạng lưới xã hội; sơ hở này khiến FBI không tìm ra những lá thư tình khét mùi thuốc súng giữa vợ chồng Farook khi check về lập trường chính trị của Malik lúc cô xin chiếu khán vào Mỹ. Ông Coney nói, “Nhân viên phụ trách không tìm được cô post điều gì lên mạng xã hội.” Nếu họ đọc được những dự định giết người Mỹ trên đất Mỹ thì cô Malik đã không được vào Mỹ.

Tổng thống Obama còn một trường hợp nữa liên quan đến những tên khủng bố đang sống trong thế giới tự do để trình bày với những vị nguyên thủ quốc gia đến Hoa Thịnh Đốn dự Hội Nghị Thượng Đỉnh: trường hợp anh em Dzhokhar Tsarnaev và Tamerlan Tsarnaev; 2 tên tội phạm đánh bom nồi trong cuộc chạy Marathon tại Boston hôm 4/15/2013. Hai anh em đeo mỗi người một quả bom làm bằng cái nồi ninh, bên trong là đinh và thuốc nổ; họ đặt bom giữa đám đông khán giả và người tham dự cuộc chạy Marathon; quả bom này cách quả bom kia 190 thước. Hai quả phát nổ cách nhau 12 giây.

Ba ngày sau vụ đánh bom, sở cảnh sát liên bang FBI nhập cuộc, bằng cách cắt nhân viên ngồi coi đi, coi lại những cuộn video ghi hình, của những tiệm buôn gần chỗ bom nổ, và họ để ý đến 2 thanh niên đeo 2 cái bị sau lưng, di chuyển trên lề đường, phía sau lưng đám đông, và không có vẻ quan tâm đến cuộc vui thể thao đang diễn ra trên đường.

Hai tấm ảnh đó đưa đến cuộc săn người. Hai anh em Tsarnaev bắn bị thương một cảnh sát viên, trong lúc cậu anh -Tamerlan Tsarnaev- cũng bị trúng nhiều vết đạn, và cậu em -Dzhokhar Tsarnaev- lái xe cán lên cậu anh trong lúc hốt hoảng tháo chạy.

Kinh nghiệm Obama có thể trình bày về trường hợp anh em Tsarnaev là họ bị ảnh hưởng “thánh chiến Hồi Giáo” và học làm bom, học tấn công khủng bố qua sách báo. Cậu Dzhokhar khai với FBI là anh em cậu muốn bảo vệ Hồi Giáo chống lại cuộc tấn công của Hoa Kỳ trong 2 trận chiến tranh tại Iraq và A Phú Hãn.

Ngày mùng 8 tháng Tư 2015, trước tòa liên bang quận Massachusetts, luật sư Judy Clarke, bênh vực cho bị can Dzhokhar Tsarnaev nói thân chủ của bà không phủ nhận tội trạng, trong lúc Công Tố Viện buộc cậu vào 30 tội danh -từ giết 3 người đến gây thương tích cho hàng trăm người khác. Ngoài bà Clarke, thành phần luật sư bênh vực bị can còn có 4 người nữa là Miriam Conrad, David Bruck, William Fick, và Timothy G. Watkins.

Cuối cùng, chánh án George O'Toole tuyên án tử hình. Ngoài những kinh nghiệm của Hoa Kỳ, các lãnh tụ thế giới còn có dịp học hỏi kinh nghiệm của Bỉ qua 2 cuộc đánh bom mới xẩy ra ngày 22 tháng Ba 2016 -một tại phi trường Zaventem, vụ thứ nhì tại trạm xe điện hầm Maalbeek thủ đô Brussels- giết 31 người và gây thương tích cho trên 300 người.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel có thể kể lại kinh nghiệm Bỉ sơ sót không quan tâm đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đã báo cho Bỉ biết việc họ chặn hai anh em Ibrahim và Khalid El Bakraoui trên biên giới Thổ-Syria và đuổi họ trở về Bỉ. Hai nhân vật đó sau này trở thành chánh phạm trong cả 2 vụ khủng bố tại Brussels.

Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ trình bày với lãnh tụ của 50 quốc gia khác về kinh nghiệm của Pháp trong cuộc tấn công khủng bố ngày 13 tháng 11/2015, giết chết 130 người và làm bị thương 368 người khác.
Trước đó 10 tháng -ngày mùng 7 tháng Giêng 2015, hai anh em tên khủng bố Sad và Chérif Kouachi và bọn đồng lõa, cũng đã tấn công vào tòa soạn tờ báo Charlie Hebdo và một siêu thị Do Thái gần đó, giết 17 người, bắn bị thương 22 người khác.

Cuộc Hội Nghị Thượng Đỉnh cuối tháng này là cuộc họp lần thứ tư và cũng được dự trù là lần chót, để thảo luận về nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử, và diễn biến nối liền nguy cơ này với những cuộc khủng bố do người Hồi Giáo quá khích, là việc anh gác dan Didier Prospero bị ám sát tại nhà anh hôm 24 tháng Ba 2016. Prospero làm việc cho hãng gác G4S security, và nhiệm sở của anh là canh gác nhà máy điện nguyên tử The Tihange của Bỉ.
Chi tiết đáng lo là cảnh sát Bỉ xếp cuộc ám sát anh Prospero vào loại tội phạm (criminal) chứ không xếp vào loại khủng bố.

Trong cuộc họp thượng đỉnh về nguy cơ nguyên tử, các lãnh tụ thế giới sẽ mổ xẻ vấn đề dưới góc cạnh khủng bố: nếu quân khủng bố lấy được bí quyết vào lọt bên trong nhà máy điện nguyên tử và xả chất độc phóng xạ (radioactive) lên không trung thì hậu quả sẽ khủng khiếp đến mức nào.

Mới chỉ 3 tên khủng bố hoạt động tại Bỉ đã giết 31 người, và gây thương tích cho trên 300 người khác, thì 6,000 tên trở về từ Trung Đông với chỉ thị tấn công khủng bố các quốc gia nuôi dưỡng chúng, thì nguy cơ sẽ vô cùng khiếp đảm.

Nguyễn đạt Thịnh

Kính thưa quý vị độc giả,
Nếu quý vị đánh giá bài báo này là “đọc được”, tác giả trân trọng mời quý vị đọc thêm 73 bài nữa được tuyển chọn và in trên 540 trang giấy vàng lợt, khổ 6x9, trình bày trang nhã, đầy đủ hình ảnh, sách đóng chỉ, bìa cứng, giá $30. Độc giả ngoài Hoa Kỳ xin giúp thêm $10 cước phí (trong tổng số trên $22)
Mua sách xin quý vị gửi chi phiếu về địa chỉ:
Nguyễn đạt Thịnh
515 Crestwater Ct.
Houston, TX 77082

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT