Điện Ảnh, Nghệ Thuật

36 năm tưởng nhớ nữ hoàng sân khấu Thanh Nga

Saturday, 13/12/2014 - 08:27:52

Giữa sân khấu là bàn hương án có đốt trầm hương. Trước giờ diễn, buổi lễ dâng hoa tưởng niệm dành cho các nghệ sĩ và khán giả lên sân khấu dâng tặng những đóa hồng là loại hoa mà cố nghệ sĩ Thanh Nga rất yêu thích khi còn sinh thời.

Bài BĂNG HUYỀN

Đêm 26-11-1978, sau khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga và chồng là luật sư Phạm Duy Lân trong lúc chống cự kẻ lạ mặt để bảo vệ con trai Phạm Duy Hà Linh lúc bấy giờ mới 5 tuổi (nay là diễn viên hài, đang hoạt động nghệ thuật ở các sân khấu tại Sài Gòn), nên hai vợ chồng đã bị phát súng của kẻ ác kết liễu sinh mạng ngay trước cửa nhà trên đường Ngô Tùng Châu vào lúc hơn 23 giờ khuya.

Nghệ sĩ Tuyết Nga (trưởng ban tổ chức) đọc tên một số mạnh thường quân đóng góp trong chương trình, trong màn chào kết của các nghệ sĩ trong đêm diễn. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Nghệ sĩ Thanh Nga đã vĩnh viễn ra đi năm bà 36 tuổi, khi đang ở đỉnh cao của vinh quang, của sự nghiệp và ở tuổi mãn khai nhan sắc. Định mệnh không muốn bà sống thêm tới ngày già nua. Để mãi mãi chỉ lưu giữ trong ký ức và cho nghệ thuật một nghệ sĩ Thanh Nga tài sắc vẹn toàn trên sân khấu, không có vết nhăn thời gian. Những hồi ức và giai thoại đẹp đẽ về cố nghệ sĩ Thanh Nga vẫn sống mãi trong lòng khán giả và các nghệ sĩ. Điều đó đã 36 năm rồi vẫn chưa hề phai nhạt, dành cho người nghệ sĩ tài hoa từng góp phần làm rạng rỡ cải lương miền Nam.


     Bé Minh Châu đem lại cảm xúc cho khán giả khi hát Mê Linh Dạ Khúc. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Để tưởng nhớ 36 năm ngày mất của nghệ sĩ Thanh Nga, lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 7-12-2014 tuần qua tại rạp Saigon Performing Arts Center, khán giả, đồng nghiệp cùng gia đình nghệ sĩ Bảo Quốc (em trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga) đã ngồi lại hòa nước mắt cùng tiếng cười, tri ân và nhớ thương người nghệ sĩ quá cố qua chương trình “36 năm- tưởng nhớ nữ hoàng sân khấu Thanh Nga”, do nghệ sĩ Tuyết Nga [là người sáng lập Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam trước đây, và hiện là Vice President của hội Hand to Hand] đảm nhận vai trò trưởng ban tổ chức chương trình với sự hỗ trợ của hội Hand to Hand và gia đình nghệ sĩ Bảo Quốc.


                                    Bé Minh Châu cùng mẹ và dì. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Góp mặt trong đêm kỷ niệm ấm áp tình nghệ sĩ này có sự tham dự của các nghệ sĩ Phượng Liên, Bảo Quốc, Phượng Mai, Ngọc Đáng, Tuấn Châu, Cẩm Thu, Thanh Thanh Tâm, Bình Trang, Hồng Loan, Xuân Mỹ, Calvin Hiệp, Lê Tín, Vĩnh Khang, Philip Nam, Mộng Nguyệt, Kim Xuyên Lan, Đình Hiếu. Ban cổ nhạc gồm nhạc sĩ Văn Hoàng (guitare), Huy Thanh (đàn Tranh), Hoàng Nam (đàn Sến), Kim Đồng (đàn Bầu), Minh Đức (Keyboard). Đạo diễn chương trình: Hùng Lâm. Cảnh Trí: Trần Đông Phương. Âm thanh: Bảo Lộc. MC chương trình: Khánh Hoàng và nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm. Tất cả đã cùng nhau làm nên thành công cho buổi diễn, không chỉ ở giá trị nghệ thuật, đem lại sự thích thú cho khán giả vì được nghe cải lương 'live' thật sống động qua tiếng hát cung đàn tuyệt diệu, các nghệ sĩ từ vai lớn cho đến vai nhỏ, mỗi người đều làm tròn vai diễn của mình trên sân khấu qua các trích đoạn, ca cảnh mà buổi diễn còn mang một ý nghĩa thật đẹp khi ban tổ chức dành số tiền thu được để giúp những nghệ sĩ nghèo neo đơn tại Việt Nam.


      Nghệ sĩ Phượng Liên trong vai Giáng Hương và Tuấn Châu (Lĩnh Nam). (Băng Huyền/Viễn Đông)

Cảm động trong buổi diễn
Chính vì hiểu cảm xúc mà các khán giả dành cho người nghệ sĩ tài hoa “nữ hoàng sân khấu Thanh Nga”, nên ban tổ chức đã thật khéo léo tạo ngay được niềm nhớ thương cho khán giả khi mới bước chân vào khán phòng rạp hát, dù chương trình vẫn chưa bắt đầu. sân khấu được trang trí những hình ảnh gợi nhớ các vở diễn của cố nghệ sĩ Thanh Nga, gồm trống đồng, dàn giáo, giá quay tơ... Giữa sân khấu là bàn hương án có đốt trầm hương. Trước giờ diễn, buổi lễ dâng hoa tưởng niệm dành cho các nghệ sĩ và khán giả lên sân khấu dâng tặng những đóa hồng là loại hoa mà cố nghệ sĩ Thanh Nga rất yêu thích khi còn sinh thời.
Đến dự chương trình có rất nhiều mái đầu bạc trắng có mặt ở rạp từ sớm, nhiều ông bà cụ đi không vững phải có con cái dìu từng bước, nhưng vẫn muốn đến đây để được “gặp lại” người nghệ sĩ mà mình yêu quý từ mấy chục năm trước. Trong số các khán giả còn có khá đông những mái tóc vẫn còn xanh, là những người từng say mê theo dõi những buổi diễn và yêu mến nữ nghệ sĩ Thanh Nga khi họ vẫn còn nhỏ, như với chị Minh Hà sống tại Eastvale thuộc Riverside County, đã cùng chị gái và con gái của mình là bé Minh Châu (10 tuổi) đến dự chương trình. Chị cho biết khi cố nghệ sĩ Thanh Nga mất, lúc ấy chị nhỏ hơn con gái bây giờ vài tuổi, nhưng đã khóc rất nhiều vì tiếc thương một tài hoa của sân khấu. Cũng vì quá yêu kính nghệ sĩ Thanh Nga và những vai diễn của bà, nên chị đã truyền tình yêu ấy sang con gái, bé Minh Châu. Dù bé sinh đẻ tại Hoa Kỳ, nhưng cũng rất yêu cổ nhạc qua nét diễn, giọng ca độc đáo của nghệ sĩ Thanh Nga. Đây cũng là một trong những cách mà mẹ giúp bé giữ gìn tiếng Việt và yêu vẻ đẹp ngôn ngữ Việt. Trong buổi diễn, ở phần chờ chuyển cảnh trí, bé Minh Câu đã lên sân khấu hát tặng khán giả bài Mê Linh Dạ Khúc (trích trong vở cải lương Tiếng Trống Mê Linh). Nhiều khán giả đã xúc động khi nghe bé hát rõ lời, nhịp nhàng và cảm xúc vô cùng, kết hợp phần hát bé còn diễn tả những cử chỉ điệu bộ giống như nghệ sĩ Thanh Nga trong vai diễn Trưng Trắc, đây là tiết mục đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả thật dài. Bé Minh Châu cho biết khi mẹ cho bé biết mẹ và dì sẽ đưa bé đi xem buổi diễn tưởng niệm cố nghệ sĩ Thanh Nga, bé đã học bài hát này từ phần diễn của nghệ sĩ Thanh Nga trên Youtube trong vòng 1 tuần, mẹ là người giúp dịch lại ý nghĩa của lời ca để bé có thể hiểu rõ và hát cảm xúc như vậy, đây là món quà mà mẹ và bé muốn dâng tặng lên cố nghệ sĩ Thanh Nga.


Nghệ sĩ Bảo Quốc tâm tình với nghệ sĩ quá cố Thanh Nga trong phần đầu chương trình.
(Băng Huyền/Viễn Đông)
 


Mở màn chương trình, các nghệ sĩ trên tay cầm đóa hồng lần lượt bước ra, nghệ sĩ Bảo Quốc bày tỏ niềm thương nhớ đến người chị ba Thanh Nga và cảm xúc hạnh phúc trước tình cảm mến thương của khán giả dành tặng cho nghệ sĩ Thanh Nga, để qua chương trình này ban tổ chức sẽ dành số tiền thu được tặng các nghệ sĩ già neo đơn tại Việt Nam; nghệ sĩ trẻ Hồng Loan trong niềm xúc động, bày tỏ nỗi đau vì không được cô ba dìu dắt trên sân khấu, nhưng cô tin rằng cô ba sẽ phù hộ cho mình để làm tròn nghiệp tổ của đại gia đình Thanh Minh Thanh Nga.

        Bảo Quốc và Hồng Loan trong trích đoạn Nửa Đời Hương Phấn. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Nghệ sĩ Tuấn Châu từng là lớp hậu bối của đoàn Thanh Minh Thanh Nga sau 1975, bày tỏ niềm yêu kính của mình với nghệ sĩ Thanh Nga và ước mong nghệ sĩ Thanh Nga hãy phù hộ để sân khấu cổ nhạc tại hải ngoại đừng bị mai một.
Nghệ sĩ Phượng Liên cảm động nhắc lại kỷ niệm bà từng hát bên trong cánh gà để nghệ sĩ Thanh Nga hát nhép bên ngoài sân khấu, vì lúc bấy giờ trong chương trình gây quỹ giúp đồng bào bị lũ lụt, nghệ sĩ Thanh Nga khan tiếng không thể hát được; nghệ sĩ Phượng Liên cũng bày tỏ ước mong nghệ sĩ Thanh Nga hãy luôn phù hộ cho nền cổ nhạc tại hải ngoại và trong nước vẫn mãi trường tồn.
Cảm xúc buổi diễn thật lắng đọng nhiều hoài niệm với mọi người khi đèn sân khấu tối dần, các nghệ sĩ cùng hướng lên màn ảnh, tiếng hát ngân nga bổng trầm, buồn ray rức, chân phương không màu mè kiểu cách, thật chơn chất bình dị nhưng cũng không kém phần lộng lẫy kiêu sa và vô cùng trang nhã, gợi cảm của nghệ sĩ Thanh Nga vang lên. Hình ảnh của bà trong lớp diễn Quỳnh Nga ngồi quay tơ trong vở cải lương Bên Cầu Dệt Lụa hiện ra trên màn ảnh, như thể bà vẫn hiện diện trên sân khấu trong hình hài của một giai nhân tài hoa tuyệt sắc mà chưa bao giờ rời xa nhân thế, bởi sức sống qua các nhân vật mà bà thể hiện cùng những triết lý nhân sinh giản đơn mà sâu sắc, vẫn mãi lưu lại trong trái tim người mộ điệu cải lương.


                       Nghệ sĩ trẻ Vĩnh Khang (áo đỏ) trong vai Lê Hoàn. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Những ký ức về người đã khuất luôn gợi lên những nỗi buồn, dâng trào niềm xúc động nhưng buổi diễn không vì thế mà trở nên buồn bã, u ám. Lần lượt các nghệ sĩ cùng nhau tưởng nhớ, chia sẻ những hồi ức và kỷ niệm ân tình về nghệ sĩ Thanh Nga. Mở đầu là nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm (con gái của nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa và nghệ sĩ Nam Hùng) từng được nghệ sĩ Thanh Nga thương mến, chăm sóc như con, nhắc kỷ niệm xưa với má ba và hát hai câu vọng cổ trích từ màn cuối của vở “Tiếng Trống Mê Linh”. Bài tân cổ “Mưa Rừng”, vốn rất thành công qua giọng ca của nghệ sĩ Thanh Nga, đã được các nghệ sĩ Phượng Mai, Bình Trang , Cẩm Thu nối tiếp nhau trình bày mỗi người một câu thật cảm xúc, nhịp nhàng. Rồi cả ba kể lại những kỷ niệm đẹp khi nhớ về nghệ sĩ Thanh Nga.Dù cô không có may mắn được gặp nghệ sĩ Thanh Nga khi bà còn tại thế, sự thán phục tài nghệ Thanh Nga của nghệ sĩ Cẩm Thu khi cô theo cha (là soạn giả cải lương Trương Vũ) đi xem vở “Tấm Lòng Của Biển” để rồi cô yêu thích cải lương và thành danh nghệ sĩ. Nghệ sĩ Phượng Mai thì kể lại những kỷ niệm từng được nghệ sĩ Thanh Nga truyền dạy cách hát, cách diễn với cải lương xã hội, dã sử Việt trong 3 tháng trời trước khi nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết. Và ngay sau cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga, cô đã được nghệ sĩ Thanh Nga tặng cho quả đào tiên rồi giật mình tỉnh giấc, sau đó cô được chọn vào vai Thái Hậu Dương Vân Nga để diễn cho 24 đoàn hát xem, cô xem đây là một vinh dự cao quý và cô luôn trân trọng tri ân chị ba Thanh Nga, nay cô xin được trao lại những gì mà nghệ sĩ Thanh Nga đã dạy cho cô lại cho nghệ sĩ trẻ Hồng Loan.
Để bày tỏ tấm lòng của mình, nghệ sĩ Mộng Nguyệt đã sáng tác bài ca cổ “Tưởng nhớ Thanh Nga” bày tỏ lòng tri ân và nhớ tiếc đến bà, đã nhận được những tràng pháo tay ngợi khen của khán giả. Nghệ sĩ Tuyết Nga thì góp tiếng hát của mình trong đoạn hát tâm tình của nàng Quỳnh Nga với Trần Minh trước khi chàng lên kinh ứng thí, hơi ca của chị hao hao nghệ sĩ Thanh Nga, tạo nên cảm xúc hoài nhớ thật đẹp cho người nghe.

 

      Lớp diễn của thái hậu Dương Vân Nga (Phượng Mai) nói về áo long bào. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Những trích đoạn cải lương
Ba trích đoạn cải lương được chọn để diễn trong chương trình lần này đã nhận được rất nhiều ngợi khen của khán giả. Đây cũng là những vở diễn để đời của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, qua nhân vật The (Hương) trong “Nửa Đời Hương Phấn” nay được tái hiện lại do nghệ sĩ Hồng Loan thể hiện cùng nghệ sĩ Bảo Quốc trong vai người cha của The (ông Sáu Khó), Ngọc Đáng trong vai người mẹ, Xuân Mỹ trong vai Diệu và Calvin Hiệp trong vai Định, Kim Xuyên Lan trong vai bà Hai Lung. Vai Thái Hậu Dương Vân Nga trong vở diễn cùng tên của tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân, phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường, do nghệ sĩ Phượng Mai vai Thái Hậu Dương Vân Nga, Cẩm Thu vai Hiệu Úy Kiều Hoa, nghệ sĩ trẻ Vĩnh Khang trong vai Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàng, Lê Tín trong vai Đinh Điền, Hoàng Dũng trong vai Nguyễn Bặc; “Sân Khấu Về Khuya” (soạn giả Nguyễn Thành Châu) với nghệ sĩ Phượng Liên trong vai nghệ sĩ Giáng Hương.


                                   Các nghệ sĩ trong ban cổ nhạc. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Bước qua được áp lực hóa thân vào vai diễn để đời của cô ba, nghệ sĩ trẻ Hồng Loan trong trích đoạn “Nửa Đời Hương Phấn” đã vào vai Hương (The) khá tròn trịa, trong đoạn diễn bị bà chủ nợ Hai Lung sỉ nhục, bị cha đuổi khỏi nhà, Hồng Loan diễn khá đạt tâm trạng đau tủi, ê chề của một cô gái lỡ sa chân, khao khát hoàn lương nhưng định kiến cuộc đời chẳng buông tha. Nghệ sĩ trẻ Xuân Mỹ thể hiện tốt tính cách dễ thương, ngây thơ mà quyết liệt, rõ ràng ở Diệu. Calvin Hiệp khá đạt trong vai Định, kẻ sở khanh làm hại cuộc đời và hạnh phúc của Hương. Nghệ sĩ Bảo Quốc vai người cha nghiêm khắc; Ngọc Đáng vai người mẹ, Kim Xuyên Lan trong vai bà Hai Lung đóng những vai trò làm nền, đã tô đậm thêm bức tranh về cuộc đời ngang trái của cô gái lỡ mang kiếp đoạn trường, bất hạnh.
Với vai diễn Thái Hậu Dương Vân Nga, nghệ sĩ Phượng Mai đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng người xem qua hình ảnh tuyệt đẹp khi hóa thân vào nhân vật Thái Hậu Dương Vân Nga – đầu đội tang chồng vai gánh nước non. Thù trong giặc ngoài rối ren bờ cõi. Là người đã luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia tộc. Uy lực vững vàng, oai phong lẫm liệt với khí phách của một hoàng hậu chấp chính khi cất những lời dõng dạc thể hiện một tính cách quyết đoán có nên trao long bào cho sứ giặc hay không, đã để lại cảm xúc thật khó tả cho người xem như truyền ngọn lửa tự hào dân tộc của cha ông năm xưa cho các khán giả: “Tấm Long Bào này là niềm kiêu hãnh của dân ta! Một dân tộc dám tự xưng là Đại Cồ Việt, Quan Ngoại Giáp ơi, có phải ta đã may nó bằng xương máu đổ ra ở Bình Kiều, bằng gian truân ở những ngày nơi Cửa Bố, chính quan Ngoại Giáp đã một người một ngựa cùng Tiên quân xông pha giữa núi giáo rừng gươm. Tấm Long Bào này là vật báu của giang sơn. Quốc Công ơi, có phải ta đã may nó bằng sấm dậy đất Phong Châu, bằng lửa nung vùng Đồ Động? Chính Quốc Công đã thúc vang hồi trống trận cùng Tiên Quân xông vào đạn lạc tên bay, tôi tin rằng trăm họ sẽ tay nối vòng tay, quyết chống lại sức mạnh bạo tàn của giặc. Đây bức thơ của nước Đại Cồ Việt, ta phúc đáp với sứ thần: tấm Long Bào này, tấm áo Thiên tử đầu tiên này, ta quyết không bao giờ dâng nạp!”.


Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm (Mỹ Tiên) và Tuấn Châu (Lĩnh Nam) trong Sân Khấu Về Khuya.
(Băng Huyền/Viễn Đông)


Chỉ tiếc rằng âm thanh của lớp diễn này bị trục trặc, phần nào đã giảm đi thành công của lớp diễn hay.
Nghệ sĩ trẻ Vĩnh Khang cũng đã thể hiện thật tròn phong thái oai dũng, quyết không đầu hàng giặc Tống, đủ tài trí và sức mạnh để chống đỡ non sông của Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn. Anh đã chinh phục được khán giả qua cách ca, diễn của mình.
Còn với trích đoạn “Sân Khấu Về Khuya”, nghệ sĩ Phượng Liên đã bước vào tuổi gần 70, nhưng ánh mắt, nét mặt biểu cảm vô cùng tinh tế linh hoạt, bà vẫn còn giữ được thần sắc và vẫn hát hay, hát ngọt trong vai cô đào Giáng Hương, 1 ngôi sao cải lương bậc nhất trời nam; rất yêu nghề, xả thân cho nghiệp tổ để phụng sự khán giả ân nhân; là điển hình những nghệ sĩ chân chính. Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm trong vai Mỹ Tiên đanh đá, luôn đấu tranh và giành giật những thứ mình thích mà bất chấp tất cả, nhưng qua lớp diễn cuối của trích đoạn trong chương trình, Mỹ Tiên đau đớn đành phải buông tay vì thua cuộc trước tình yêu mà Lĩnh Nam (Tuấn Châu) vẫn còn dành cho người vợ cũ Giáng Hương và cho thánh đường nghệ thuật mà Lĩnh Nam tôn thờ. Các nghệ sĩ Tuấn Châu (Lĩnh Nam), Bảo Quốc (Ba Hoài), Ngọc Đáng (chị Sáu), Bình Trang (Cúc Lan Hương), Phillip Nam (Dũng) đã thể hiện tròn vai trò của mình.
Chương trình đã diễn ra khá hoàn hảo nhờ sự nỗ lực làm việc hết mình, nhiệt thành, tâm huyết của toàn bộ các thế hệ nghệ sĩ và ê kíp thực hiện chương trình với ước mong gợi nhớ lại những hình ảnh đẹp nhất của nghệ sĩ tài hoa Thanh Nga, và họ đã làm được điều đó thật ngọt ngào. Đêm diễn khép lại, những tiếng cười qua màn tung hứng của nghệ sĩ Bảo Quốc, Ngọc Đáng, Phillip Nam vẫn còn sảng khoái, những suy nghĩ vẫn còn miên man, mở ra bao điều ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay. Và mỗi khán giả ra về đều cảm nhận được một điều như lời nhận định của MC Khánh Hoàng: nghệ sĩ Thanh Nga sẽ không bao giờ rời xa trong ký ức của người mộ điệu cải lương. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT