Thế Giới

"Tôi van nài các cha mẹ ở Ấn Độ đừng đưa con em sang Hoa Kỳ"

Friday, 24/02/2017 - 09:05:26

Ông Jaganmohan Reddy là cha của Madasani, nói với Hindu Thời Báo rằng cách đây vài tháng, ông trò chuyện với con trai, gọi con trai về nhà vì e rằng người ngoại quốc không an toàn ở một nước đang xảy ra nhiều sự việc kỳ thị, và các nhóm kỳ thị bắt đầu trỗi dậy.


Ông Jagan Mohan Reddy cho xem hình con trai Alok Madasani của ông tại Hyderabad ngày thứ Sáu. Con ông bị thương, trong khi bạn của Alok bị bắn chết tại một quán rượu ở Kansas đêm thứ Tư. (Noah Seelam/ Getty Images)


NEW DELHI – Có phải nước Mỹ đang trở thành một quốc gia kỳ thị chủng tộc hơn trước? Đây là câu hỏi được nêu ra sau khi có người Ấn Độ bị bắn chết trong một quán rượu ở tiểu bang Kansas. Nạn nhân thứ nhì đã bị thương.

Các thân nhân của hai người Ấn Độ bị bắn tại một quán rượu ở thị xã Olathe vào tối thứ Tư, trong vụ nổ súng mà nhà chức trách đoán là tội ác kỳ thị chủng tộc, cho biết họ lo ngại bầu không khí sợ hãi và bài ngoại ở Mỹ, có nghĩa là đất nước này không còn an toàn cho người Ấn Độ. Ông Jaganmohan Reddy là cha của anh Alok Madasani, kỹ sư Ấn Độ bị thương, van nài các bậc cha mẹ ở Ấn Độ đừng gởi con sang Mỹ nữa.

Trong khi đó, Venu Madhav là thân nhân của Srinivas Kuchibhotla, một kỹ sư nhu liệu điện toán bị bắn chết, nói rằng, "Bầu không khí điên cuồng đang bao trùm nước Mỹ. Điều đó không tốt cho con em chúng ta đang sống tại đó. Tình trạng kỳ thị như vậy không tốt cho người ngoại quốc."

Các nhân chứng cho biết anh Srinivas Kuchibhotla và đồng nghiệp Alok Madasani, 32 tuổi, có mặt tại một quán rượu đông đúc để xem một trận đấu bóng rổ tối thứ Tư. Đột nhiên lúc đó một người say rượu tới gần, bắt đầu nói xấu về người Ấn Độ và rút súng ra. Người này vừa bắn vừa hét lên, "Cút khỏi nước tao!"
Kuchibhotla, 32 tuổi, bị thương nặng và qua đời tại bệnh viện. Madasani và nạn nhân thứ ba, Ian Grillot, một khách hàng tìm cách can thiệp vụ nổ súng, bị thương nhẹ và được đưa vào bệnh viện.

Ông Adam W. Purinton, 51 tuổi, cư dân Olathe, một cựu chiến binh hải quân, sau đó bị bắt và bị buộc tội giết người cấp độ một, và tội âm mưu giết người cấp độ một. Viên chức liên bang cho biết họ kết hợp cảnh sát địa phương mở cuộc điều tra, để xem nguyên nhân vụ nổ súng có phải là kỳ thị chủng tộc không. Nhiều nhân chứng nhận xét có vẻ ông Purinton lầm hai người Ấn Độ là hai người Trung Đông.

Gia đình nạn nhân ở thành phố Hyderabad thuộc miền nam Ấn Độ, nói với Hindu Thời Báo rằng cả hai nạn nhân - kỹ sư điện toán của công ty Garmin ở Olahte - không hề đấu khẩu với ông Purinton. Chính ông này gây sự trước, cho rằng họ sống ở Hoa Kỳ bất hợp pháp.

Một thân nhân nói, "Hai nạn nhân cố gắng giải thích rằng họ hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Kansas năm 2006, và họ có giấy phép làm việc hợp lệ."

Theo tài khoản LinkedIn của Kuchibhotla, cả hai được nhóm Aviation Systems Engineering thuộc công ty thuê mướn. Kuchibhotla có bằng tiến sĩ về điện và điện tử của đại học Texas, thành phố El Paso; bằng cử nhân của Đại học Bách khoa Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ. Còn Madasani tốt nghiệp đại học Missouri-Kansas City và đại học xây dựng Vasavi ở Ấn Độ.

Ông Jaganmohan Reddy là cha của Madasani, nói với Hindu Thời Báo rằng cách đây vài tháng, ông trò chuyện với con trai, gọi con trai về nhà vì e rằng người ngoại quốc không an toàn ở một nước đang xảy ra nhiều sự việc kỳ thị, và các nhóm kỳ thị bắt đầu trỗi dậy.

Theo ông Reddy, "Tình hình bắt đầu tồi tệ sau khi ông Trump lên làm tổng thống."
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Washington Post, Venu Madhav nói rằng gia đình Kuchibhotla quá sốc trước thông tin trên. Đây là vụ kỳ thị thứ ba xảy ra cho thành viên cộng đồng miền nam Ấn Độ - nói tiếng Telegu - ở Hoa Kỳ. Nước Mỹ thay đổi nhiều quá. Điều đó thực sự không tốt cho cộng đồng người Ấn tại đây.

Ở Ấn Độ, Ngoại Trưởng Sushma Swaraj cho biết bà vô cùng sửng sốt khi được thông báo về cuộc tấn công. Bà phải hối thúc hai nhà ngoại giao tại Lãnh Sự Quán Ấn Độ ở Houston, Texas, bay sang Kansas ngay lập tức. Trong lúc này, nhiều chương trình tin tức tranh luận rằng Hoa Kỳ có phải là một khu vực nguy hiểm cho người da nâu không. Một xướng ngôn viên của đài NDTV tự hỏi: "Đây có phải là một điều bình thường mới không?

Hiện nay có khoảng 300,000 người Ấn Độ đang làm việc ở Hoa Kỳ với visa H-1B tay nghề cao. Hầu hết làm trong ngành công nghệ về phần mềm. Chính phủ của ông Trump đang xem xét việc giới hạn visa H-1B, dấy lên nỗi sợ hãi cho những người cầm visa loại này.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT