Đời Sống Việt

"Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh"

Friday, 22/04/2016 - 06:42:48

Có lẽ sau khi thăm dò tình hình thấy không ổn, xếp cho mời tôi sang sở giáo dục để “giải hòa” với lời trách nhẹ: “Sao người đẹp khó tính quá, ngắm 1 chút mà cũng không cho?” để xí xóa cho tôi cái tội "vô lễ do không biết xếp là ai?"

Phượng Vũ

Đó là tựa đề bộ phim, cùng tên với cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn thiếu nhi số 1 Việt Nam đã được đạo diễn Victor Vũ dựng thành phim. Và nó đã đoạt giải nhất trong liên hoan phim Việt Nam 2015 và đứng top 3 phim hay nhất trên thế giới vào ngày 26/9/2015. Đó là những thông tin tôi nhận được từ hướng dẫn viên trong tour đi thăm Phú Yên. Vì phim này được quay ngoại cảnh tại Phú Yên, nên nó trở thành niềm tự hào của người dân Tuy Hòa - Phú Yên, và từ đó nó bỗng trở thành biểu tượng của Phú Yên. Đi tới đâu cũng nghe người ta nhắc tới nó, và ngay trong nhà hàng cũng treo bảng "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Tôi chưa được hân hạnh đọc truyện cũng như xem phim này, nhưng thấy người dân Tuy Hòa hãnh diện và yêu mến nó, nên tôi cũng thấy có cảm tình lây với nó, vì dù sao tôi cũng đã sống và dạy học trong 2 niên khóa ở trường trung học Nguyễn Huệ, trường trung học công lập duy nhất của tỉnh Phú Yên. Tôi đến Tuy Hòa dạy học chỉ vì lý do đơn giản: ông xã tôi làm việc ở bịnh viện Tuy Hòa nên tôi "đổi theo chồng". Và lần này tôi trở lại Tuy Hòa cũng chỉ vì muốn "thăm lại chốn xưa".



Nghe HDV giới thiệu sẽ đưa chúng tôi đến thăm Bãi Xép, một cảnh đẹp đầy hoang dã được ví như nàng tiên còn say giấc. Bãi biển như 1 thiên đường hoang sơ, với 2 mũi đá đen bọc 2 đầu khi sóng xô vào tung bọt trắng xóa tạo nên 1 cảnh tượng ngoan mục và HDV cho biết những cảnh đẹp có trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đều sẽ được tìm thấy ở đây. Những cảnh đẹp này đã làm say mê bao nhiêu khán giả nên đến đây là được hân hạnh xem những cảnh đẹp thật có trong phim... Lời giới thiệu làm cả đoàn chúng tôi vô cùng háo hức, tôi cứ tưởng tượng ra mình sẽ được nhìn ngắm cả một cánh đồng hoa vàng trên cỏ xanh vì tựa phim đã nói lên điều ấy. Ôi thật là thích thú biết chừng nào và tha hồ mà chụp hình. Tôi chợt nhớ tới “thung lũng hoa vàng” ở San Jose, mỗi khi mùa xuân về thì hoa vàng nở đầy bát ngát cả một thung lũng mênh mông, tha hồ mà ngắm. Đúng là tạo hóa đã "cho không, biếu không" bao nhiêu là cảnh đẹp thiên nhiên cho con người. Ở đây cảnh chắc là đẹp hơn nhiều, vì nó đã được chọn đưa lên phim, nhưng khi đến nơi, tôi ngạc nhiên vì không thấy hoa vàng mà cũng chẳng thấy cỏ xanh đâu hết, chỉ thấy đồng cỏ nắng cháy khô cằn vàng hoe. Hỏi thăm thì HDV cho biết chắc hết mùa hoa vàng nở, nhưng chịu khó tìm thì cũng thấy đây đó một vài nụ hoa vàng nhỏ xíu còn ẩn hiện đâu đó! Hay là nó mang ý nghĩa ở đời muốn đi tìm cái đẹp thì ta phải chịu khó tìm tòi và để ý thì mới khám phá và thấy được nó chăng? Đúng là giữa thực tế và phim ảnh luôn "nghìn trùng xa cách".

Nói tới đây tôi lại nhớ khi rủ bạn chọn “Tour Du Lịch Đường Sắt” này, tôi đã nói với bạn, “Mình đi du lịch bằng máy bay, bằng tàu ( cruise) bằng xe bus nhiều rồi. Lần này để thay đổi không khí, mình đi du lịch bằng đường sắt, chắc sẽ có nhiều điều mới lạ và hấp dẫn hơn.” Tôi vẽ ra trong đầu mình sẽ được ngắm cảnh đẹp quê hương tuyệt vời khi hoàng hôn xuống cũng như lúc bình minh lên, tha hồ mà ngắm cảnh đẹp của núi và của biển quê hương, vì đường tàu sẽ chạy dọc theo lối "biển một bên và núi một bên". Ôi thật là hấp dẫn như lời 1 bài hát TCS đã diễn tả:

"Chiều trên quê hương tôi
Gió đến chơi từ bờ biển xa
Núi đôi khi màu sim tím lạ
Nắng như môi hoàng hôn trên phố"

Bạn tôi nghe thấy có lý quá gật đầu chịu liền. Ai dè tới hồi vô thực tế mới biết "Tôi đã lầm... khi chọn tour này” vì tàu chạy ban đêm, tối thui có thấy gì đâu, ngoài ra còn phải ngủ giường tầng, rồi nếm cái cảnh “lắc lư” xoành xoạch ầm ì cả đêm, cho cái lưng nó nhừ tơi vì được massage dần tới dần lui liên miên. Tôi tự nhủ thầm cho bỏ cái tật "ham của lạ”. May mà nhóm tụi tôi đi 4 người nên ở chung 1 phòng, nếu đi 2 người thì phải ngủ chung phòng với người lạ! Tôi phải đành ngậm ngùi ca bài "Nghìn trùng xa cách" vì thực tế đã không như là mơ!



Tuy không tìm thấy "hoa vàng trên cỏ xanh" nhưng chúng tôi cũng được thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ và dữ dội của biển ở bãi Xép, khi sóng mạnh đánh vào bờ làm tung lên những bọt sóng trắng xóa tung tóe ướt cả quần áo. Anh H lo mê chụp hình nên bị sóng tràn lên ướt cả giày và quần, nhưng anh vẫn không màng, cứ say mê với cảnh đẹp. Đúng là khi người ta đam mê thì khó khăn nào người ta cũng coi như đồ bỏ! Tôi đứng trên hòn đá cao to, nhưng bọt sóng vẫn tung lên làm ướt mem, định trèo xuống nhưng không dám nhúc nhích vì anh H ra lệnh “cứ đứng yên đó” vì chưa chụp xong... Đúng là "tiến thoái lưỡng nan"!
Sau đó chúng tôi rủ nhau lên đồi cao gió thổi lồng lộng để đi tìm "hoa vàng" trên cánh đồng cỏ khô héo và cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm thấy vài "đóa hoa vàng mỏng manh" nhỏ bé, tuy là hoa dại nhưng vẫn xinh tươi, ẩn hiện đây đó trên đám cỏ khô cằn. Quả như lời 1 bài hát du ca mà tôi rất thích vì quá ý nghĩa:

"Đời dẫu có là hoa dại
Nhưng hoa có trên mọi miền" (Trầm Thiên Thu)

Điều này chứng tỏ "cái đẹp" luôn hiện diện khắp nơi, chỉ có điều chúng ta phải chịu khó để ý thì mới tìm thấy chúng. Nơi đây chúng tôi bắt gặp vài người dân nghèo đang lui cui trên cánh đồng cỏ khô cằn không phải đi tìm hoa vàng như chúng tôi mà là đi tìm hái một loại rau dại không rõ tên gì (chị cho biết hái về để bán vì rau ăn được) Tôi nhìn cái rổ nhỏ chị lui cui đi tìm hái từ sáng tới giờ mà vẫn chưa được 1/2. Tôi hỏi thăm: “1 ngày chị hái bán được bao nhiêu?” Chị cho biết tùy bửa được ít hay nhiều khoảng chừng 5, 6 ngàn (khoảng 25 cent). Sao cuộc sống mưu sinh của người dân quá nhọc nhằn vậy!

Cũng như sau này khi ghé bãi biển Đại Lãnh, được cho là đẹp nhất, nằm giữa Phú Yên và Nha Trang, lúc đi qua cầu để vào bãi biển, tôi gặp 1 bà cụ già ngâm mình dưới nước, lấy rổ vớt từng con ốc nhỏ. Đến khi ra biển tắm, tôi lại thấy 1 ông già ngâm mình dưới nước biển đi tới, đi lui đẩy một cái gì đó..., tôi tò mò đi theo hỏi thăm thì mới biết ông đang đi cào nghêu. Ông làm việc rất vất vả, lại phải chịu lạnh vì ngâm mình dưới nước lâu, rồi phải đẩy cái dụng cụ dưới nước, chắc là phải tốn nhiều sức đẩy đi qua đi lại, lâu lâu mới thấy ông cúi xuống vớt được 1 con nghêu. Nhìn cảnh người dân ở đây kiếm sống quá cực nhọc mà tôi thấy xót xa, không biết bao giờ dân tôi mới được cơm no áo ấm? Đã vậy cuộc sống của họ lại còn bị áp bức đủ điều, như bản tin nói về việc gia đình ông Ngô Thanh Kiều bị hại trong vụ án 5 công an Phú Yên dùng nhục hình dẫn tới chết người. Bất bình trước sự việc người dân bị chết oan ức, luật sư Võ An Đôn đã tự nguyện đứng ra bảo vệ nạn nhân và góp phần đưa sự việc 5 công an Phú Yên dùng nhục hình ra ánh sáng. Nhưng sau đó ông lại bị Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư. Mới đây LS Đôn tự nguyện ra ứng cử vô quốc hội để có thể giúp dân nhiều hơn, thì ông lại bị họ họp “hội nghị cử tri” đa số là công an để đấu tố, kiểm phiếu lén lút hầu tìm cách loại trừ.

Tôi khâm phục tinh thần dám đấu tranh vì dân không quản ngại khó khăn của những người trẻ như LS Đôn. Đây chính là " đóa hoa vàng" xinh đẹp, hiếm hoi giữa cánh đồng cỏ khô cằn của xã hội chung quanh, là niềm tự hào của người dân bất khuất Phú Yên. LS Đôn xứng đáng được những người có tấm lòng với dân tộc trân quý và ngợi khen. Thái độ xem những người dân nghèo như anh em của mình và sẵn lòng giúp đỡ họ của LS Đôn khiến tôi nhớ tới câu trả lời của 1 vị thiền sư: “Khi nào trời sáng?” - "Khi nhìn vào mắt những người chung quanh và thấy họ là anh em mình. Đó là lúc Trời sáng, vì lúc đó Tâm ta sáng.” Hèn gì với “Tâm tối thui” nên cán bộ đảng nhìn dân ở đâu cũng đều thấy là kẻ thù, sẵn sàng ra tay đánh đập cho tới chết!
Buổi chiều chúng tôi được đưa đi thăm núi Nhạn, là ngọn núi nhỏ nằm giữa đồng bằng Tuy Hòa, trên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc tỉnh Phú Yên. Trước đây, trên núi Nhạn có rất nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt là mai rừng; có nhiều loài chim như Nhạn, vì thế có tên núi Nhạn. Núi Nhạn cao 64 m so với mặt nước biển, vòng núi có chu vi khoảng 1 km và tựa hình cánh chim nhạn dang rộng đôi cánh. Du khách du lịch Phú Yên sẽ được chiêm ngưỡng núi Nhạn sừng sững, kì vĩ giữa bầu trời và được bao phủ bởi sắc xanh của rừng núi rậm rạp. Riêng tôi nhắc đến núi Nhạn tôi lại nhớ đến câu thơ "Anh còn nợ em. Chim về núi nhạn. Trời mờ mưa đêm. Trời mờ mưa đêm" trong bản nhạc nổi tiếng "Anh còn nợ em" của Nhạc sĩ Anh Bằng (phổ thơ Phan Thành Tài).

Khi đến dưới chân núi Nhạn, trong khi chờ đợi cả đoàn cùng leo núi, chị bạn tôi khám phá ra có cây trứng cá, một loại cây gần như đã bị diệt chủng ở Saigon. Mừng quá tụi tôi xúm xít lại tìm trái trứng cá ăn để nhớ lại hương vị ngày xưa. Hình như tụi tôi ai cũng có kỷ niệm riêng với cây trứng cá, một loại cây rất thân quen với tuổi thơ Saigon của tôi. Trước nhà tôi là 1 cây trứng cá khá to và chiều nào đi học về, sau khi bài vở xong xuôi là chị em tôi ra leo lên cây trứng cá vừa hưởng cái mát êm đềm của tàng cây lại vừa hái trái nhâm nhi. Trái trứng cá chín đỏ trông rất hấp dẫn vừa thơm, vừa ngọt, tới mùa trái chín rộ chi chít trên cành ngó thấy ham. Ăn không kịp phải hái đem vô lóp để cho bạn bè, chị tôi leo cây rất giỏi, thoắt một cái là đã leo tít trên cao, hái những trái ở trên đỉnh cây. Tôi thì chỉ dám leo ở những cành thấp, hái trứng cá bỏ đầy 2 túi áo để mai đem vô lớp cho bạn. Thấy chị em tôi ngày nào cũng mê leo cây trứng cá làm má tôi lo bị té gãy giò, nên cứ than thở “Có phúc sinh con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Không ngờ mấy chục năm sau tôi lại được gặp "người xưa" ở đây, đúng ra phải gọi là "cây xưa". Tôi yêu quý những “cây xưa” và vui mừng khi mới nghe tin giới trẻ Saigon đang mạnh dạn đứng lên phản đối việc chặt bỏ cây xanh hằng 100 tuổi của Saigon để bảo vệ lá phổi của thành phố.

Đúng trên núi Nhạn hướng tầm mắt ra xa, du khách còn trông thấy những cánh đồng lúa Tuy Hòa bạt ngàn, bãi biển Phú Yên xanh ngắt với những con sóng vỗ bờ dữ dội. Những cơn gió thoảng qua núi Nhạn mang đến cho du khách một làn gió mới, vừa mát rượi nhưng cũng nồng ấm mang hương vị đặc trưng của vùng đất Trung phần đầy nắng và gió. Xa xa là dòng sông Đà Rằng êm đềm, lững lờ trôi tạo thành một cặp biểu tượng du lịch "Núi Nhạn sông Đà" của xứ nẫu Phú Yên. Hồi xưa khi mới dạy học ở Tuy Hòa, thỉnh thoảng tôi hay nghe nói tới “xứ nẫu”, mà không hiểu là gì, sau này tôi mới biết đó là tiếng gọi “nick name” của Phú Yên. Tháp Nhạn không sở hữu những hoa văn trang trí độc đáo như các tháp Chàm khác, nhưng nó cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong du khách bởi những đường nét hoa văn đặt bên ngoài góc tháp có hình rồng chạm khắc bằng đá hoa cương tinh xảo, mềm mại và hài hòa, phảng phất linh hồn xưa của văn hóa Chăm hơn 800 tuổi. Quanh khu vực tháp Nhạn, du khách sẽ được khám phá những tấm bia, phiến đá to chạm trổ thành những cánh sen và được khắc chữ Phạn cổ - thư tịch duy nhất ở khu vực tháp còn sót lại đến ngày nay. Trời bỗng đổ mưa lâm râm, nhìn ngôi tháp cổ “một mình” trên núi, tôi chợt nhớ tới lời bài hát của TCS:
"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau."

"Sỏi đá cũng cần có nhau" nên có lẽ tháp cổ cũng cần "có đôi" cho đời bớt hiu quạnh. Có phải vì muốn cho tháp cổ bớt hiu quạnh nên trong những dịp lễ hội, người ta thường tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc trên núi Nhạn, nổi tiếng nhất là đêm thơ Nguyên tiêu hằng năm thu hút rất nhiều người tham dự. Đêm thơ là điểm hẹn hàng năm của những người yêu mến thơ ca, các thi sĩ cùng hội tụ dưới ánh trăng đẹp của rằm tháng giêng và cất lên những vần điệu trữ tình, trải lòng cùng nghệ thuật thơ ca. Quả là một hình ảnh đẹp lung linh huyền ảo cùng ánh trăng trong đêm thơ Nguyên tiêu - giữa núi rừng, sông, biển chung quanh.
Buổi tối tôi rủ bạn cùng tôi đi dạo phố đêm Tuy Hòa, để tôi có dịp thăm lại "cảnh xưa", rồi đi thăm trường Nguyễn Huệ. Bạn tôi thật dễ thương hoan hỉ nhận lời liền dù đây chỉ là đi thăm chốn xưa của riêng tôi. Đúng là bạn thân có khác, luôn hiểu và chìu theo ý nhau. Hai đứa tôi đi dọc con đường Trần Hưng Đạo, con đường chính duy nhất của thị xã Tuy Hòa, xuôi về trung tâm thành phố. Lâu quá rồi nên tôi không dám chắc là mình có nhớ đúng đường đi không, nên dọc đường gặp 1 ông đi bộ, bèn hỏi thăm. Khi nghe kể lý do ông vui vẻ chuyện trò về những thay đổi của “Phú Yên mình” và còn khen tôi là người có tình nghĩa với chốn xưa dù đã bao năm xa cách. Nhờ lời chỉ dẫn tận tình của ông mà chúng tôi an tâm tiếp tục vững bước đi tới mà không sợ bị lạc. Và đúng như lời ông nói, xa xa tôi đã thấy khu chợ mới của Tuy Hòa. Đây là nơi ngày xưa, mỗi chiều tôi thích đi chợ để được mua những con cá tươi rói, mắt xanh trong, ngư dân mới đánh bắt đem về bán. Cá tươi làm món gì cũng ngon: hấp, kho, chiên.. Ngoài ra ở chợ còn có bà bán bún chả cá và sứa, cái gì cũng tươi hết, vì mới vừa chế biến xong, cộng thêm rổ rau tươi xanh óng ả đầy ngọn nên ăn thật tuyệt! Bây giờ thì những món ngon tươi như thế này chắc chẳng bao giờ còn nữa, vì cái gì cũng tẩm hóa chất hết, mỗi lần cần ăn lại thấy sợ không biết mình có đang rước chất độc vào người không?. Gần đó là siêu thị Coop Mart khá lớn, chúng tôi ghé vào xem cho biết, ngay ngoài bìa siêu thị là nhà sách. Tôi thấy nhà sách là mê lắm, không thể không vào, dù sách mua còn chất đống chưa có giờ đọc. Nhà sách lạ, thấy sách nhiều quá chẳng biết đường nào mà tìm sách hay nên tôi tới hỏi thăm cô hàng sách nhờ giới thiệu giùm những sách hay đang đắt hàng để mua ít cuốn. Cô bèn hăng hái kể ra 1 lô những cái tên lạ hoắc, tôi nghe mà “ngẩn tò te” chẳng hiểu mô tê gì hết, bèn hỏi lại:
- Đó là những sách của ai vậy?

- Thì sách dịch của Trung quốc chứ của ai! Cô mới hỏi thăm sách đang đắt hàng nhất hiện nay phải không?
Ồ! Thì ra là vậy, tôi hiểu rồi. Như vậy là Việt Nam hiện nay không chỉ có đồ ăn Tàu độc hại tràn ngập, phố Tàu nói tiếng Tàu có mặt ở khắp nơi, mà ngay lãnh vực văn hóa: sách, truyện Tàu cũng phổ biến tràn đầy các nhà sách cho giới trẻ đọc để thấm nhuần văn hóa Tàu cho quen. Nghe nói trên tivi cũng cho phát hình phim Tàu nhiều tập chiếu dài dài cho dân chúng coi. Nghe mà thấy nỗi buồn "nước mất" lặng lẽ thấm vào tận tim. Tôi hỏi thăm cô chỉ giùm chỗ nào để sách của nhà văn Việt Nam. Cô chỉ cho tôi một góc khuất, vì chỗ chính và trang trọng được dành để những loại sách “hot” nhất hiện nay! Tôi nhìn thấy 1 cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư, cầm lên đọc ở bìa sau có in dòng chữ viết của tác giả: “...Còn tôi, hình dáng buồn cười, thô mộc quê mùa, không trau chuốt. Hai mươi bảy tuổi vẫn yêu, vẫn tin rằng cuộc đời này màu hồng (mà tới một cái tuổi nào đó sẽ thấy nó đen thui) nên vẫn thích viết về những người tốt. Có điều những người đó sẽ không sung sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời rủ nhau đi sống tốt hết rồi.” Ôi sao mà cô bé này “gõ đúng tim” của tôi quá, chỉ có điều lạ là tuổi tôi đã quá gấp đôi cái tuổi 27 của cô, nhưng sao tôi vẫn còn tin “cuộc đời này màu hồng (mà tới một cái tuổi nào đó sẽ thấy nó đen thui) nên vẫn thích viết về những người tốt.” Chỉ chừng vài hàng đó thôi là tôi đã cảm thấy gặp được "tri âm" và chọn mua ngay cuốn sách đó và thêm vài cuốn nữa.

Ra khỏi nhà sách tụi tôi đi lần về hướng trường Nguyễn Huệ gần đó, theo lời hướng dẫn khoảng 100m. Nhìn lại ngôi trường xưa, phía bên ngoài vẫn không có gì thay đổi, vẫn cổng trường và tấm bảng nền trắng chữ xanh như ngày xưa. Kỷ niệm cũ ào ạt quay về, ở góc cổng này ngày xưa là nơi bác cyclo tháng, mỗi ngày ngồi đợi tôi tan lóp ra về. Ở sân chơi phía trong là nơi mỗi giờ ra chơi, tôi hay được các em nữ sinh ái mộ quấn quít chạy theo, thậm chí có nhiều em còn chịu khó đếm xem cô giáo có bao nhiêu áo dài, bao nhiêu đôi giày... Đặc biệt tôi kể cho bạn nghe ở dãy lóp bên phải là nơi ngày xưa xảy ra sự việc tình cờ đã khiến lần đầu tiên trong đời tôi bị "đụng đầu với quyền lực", nó vẫn còn ghi dấu ấn mạnh trong tôi. Lúc đó tôi mới đổi về trường được mấy tháng, còn nhiều bỡ ngỡ và chưa quen ai nhiều. Một hôm tôi đang đứng trên bục giảng bài cho học trò khi quay nhìn ra ngoài lớp, tôi bắt gặp ở hành lang một ông trung niên đứng khoanh tay ngắm nhìn tôi trong lớp một cách "ngang nhiên". Tôi "phản ứng" lại bằng cách cố quay lưng ra ngoài trong suốt giờ dạy, tưởng như vậy thì ông sẽ bỏ đi luôn. Không ngờ khi hết giờ tôi chuyển sang lóp khác, lát sau lại thấy ông ta xuất hiện theo tôi sang lớp khác với bộ điệu vênh váo như cũ. Tôi không biết ông là ai và cũng chẳng biết nên hỏi thăm ai. Hôm sau khi tôi vào 1 lớp khác ở dãy sau, tôi lại thấy ông xuất hiện đi cùng với ông tổng giám thị và lần này ông không nhìn ngắm tôi từ ngoài hành lang mà ngang nhiên bước thẳng vào lóp không cả 1 tiếng gõ cửa cho phải phép lịch sự tối thiểu khi muốn vào thăm lớp, và xuống ngồi cuối lớp. Tôi bị bất ngờ nhưng cũng “phản ứng” bằng cách đáp trả “làm lơ” coi như “ne pas” sự hiện diện của họ, vẫn dạy bình thường. Định ít bữa họp hội đồng giáo sư sẽ hỏi cho ra lẽ "Ai mà ngang ngược quá mức?". Không dè hôm sau khi đến trường tôi được hiệu trưởng mời lên văn phòng đưa tôi coi sự vụ lệnh thuyên chuyển tôi đi Đồng Xuân, nơi hang ổ nổi tiếng của VC.

Tôi ngơ ngác chả hiểu mình có tội gì? cho đến khi hiệu trưởng giải thích người ký sự vụ lệnh đó là chánh sở giáo dục tỉnh Phú Yên, là người đàn ông vẫn “theo” tôi từ lớp này qua lớp khác mấy hôm liền. Tôi chưng hửng và bất mãn, dĩ nhiên là tôi không tuân hành sự vụ lệnh này. May là vài ngày sau có buổi họp hội đồng nhà trường hằng tháng và toàn thể giáo sư đều đứng về phía tôi phản đối quyết liệt, nhất là các anh, vì cho rằng tôi không hề làm điều gì sai. Có sai chăng chính là cấp trên đã hành xử sai. Mấy hôm rày về nhà ấm ức, mà không dám hé môi vì ông xã tôi luôn muốn tôi nghỉ dạy ở nhà, vì chàng dư sức nuôi, nhưng tính tôi vốn thích độc lập, không muốn sống lệ thuộc... Bây giờ đến nước này thì tôi không thể im lặng nữa. Chàng cho biết khi nào cần, tôi sẽ có giấy chứng nhận của bịnh viện để nghỉ về Saigon khiếu nại cho tới khi có kết quả như ý. Chàng của tôi “hiền” theo kiểu “cắn hạt cơm không vở, cắn đồng tiền vỡ đôi”, nhất là về ghen nên rất nổi giận về vụ này. Nói tới đây tôi không nhịn được cười khi nhớ tới những cơn ghen và lời đe dọa của “Nha sĩ Chí Tài” trong vở hài kịch của Paris by night “Asian Beauty”, sao mà y chang! Ở đây chàng còn có thế mạnh hơn vì cả tỉnh Phú Yên lúc đó chỉ có 1 nha sĩ duy nhất là chàng, nên chàng hăng hái tuyên bố, “thằng đó đau răng là nó tới số, không chạy đâu cho thoát tay anh.”

Có lẽ sau khi thăm dò tình hình thấy không ổn, xếp cho mời tôi sang sở giáo dục để “giải hòa” với lời trách nhẹ: “Sao người đẹp khó tính quá, ngắm 1 chút mà cũng không cho?” để xí xóa cho tôi cái tội "vô lễ do không biết xếp là ai?"

Bạn tôi nghe kể xong nhận xét có lẽ thời đó cũng như thời bây giờ các xếp luôn tự cho mình cái quyền "muốn làm gì thì làm" bất kể lẽ phải ra sao. Như tin Phú Yên cho biết bác sỹ Nguyễn Thị Băng Sâm, vì từ chối nhận chức vụ cao hơn do cảm thấy không đủ khả năng đã bị xếp buộc thôi việc.
Trên đường đi lo lan man kể chuyện nên quên vụ mỏi chân, bây giờ đi về mới thấy "Sao mỏi gớm mỏi ghê cái đôi chân này?". Tôi định tìm 1 chiếc cyclo đi dạo 1 vòng trước khi về để tìm lại cảm giác ngày xưa, vì lúc ở đây tôi chuyên đi cyclo, nhưng không tìm thấy chiếc nào. Có lẽ cyclo cũng sắp bị biến mất lần lần, nên tụi tôi đành đón taxi về CenDeluxe Hotel

Từ sáng nhận phòng, thả hành lý xong là đi liên miên, đến bây giờ về phòng nghỉ ngơi, tụi tôi mới có dịp enjoy phòng khách sạn 5 sao, mà theo lời HDV là hotel sang trọng và đẹp nhất Tuy Hòa. Phòng quá rộng và tất cả tiện nghi đều sang trọng. Đứng ở trên lầu cao có thể nhìn ngắm cả thành phố “Tuy Hòa by night” và nhất là “tháp Nhạn” tỏa sáng nét cổ kính trong bóng đêm thật đẹp. Tour này đi xe lửa thấy oải, nhưng ở hotel quá tốt, ở đời đâu có gì hoàn hảo, thôi thì hãy quên cái chưa tốt mà enjoy cái tốt cho đời vui! Tắm xong, thả mình trên nệm ấm chăn êm, nhìn bức tranh hoa vàng quá đẹp treo trên tường, chợt nhớ cảnh sáng nay cực khổ đi tìm hoa vàng, tôi bỗng ước mơ đất nước tôi sau này sẽ là một "động hoa vàng" với đồng cỏ xanh tươi mát, chứ không phải hoa vàng hiếm hoi trên đồng cỏ khô cằn như hôm nay:

"...Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan"
Lời 1 bài hát của PD nghe được đâu đây như đã phụ họa cho giấc mơ và đưa tôi vào giấc ngủ ngon, êm đềm sau 1 ngày về “thăm lại chốn xưa“

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT