Thế Giới

"Hòa bình qua sức mạnh": Mẫu hạm Mỹ đang ở Biển Đông dọa Trung Cộng

Wednesday, 07/08/2019 - 06:29:04

Một hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đang di chuyển xuyên qua Biển Đông nhằm mục đích cho thấy sức mạnh chống lại Trung Cộng, trong lúc Bắc Kinh đang uy hiếp các nước láng giềng nhỏ bé hơn trong những cuộc tranh chấp lãnh hải trong một khu vực thương mại hàng hải quan trọng của thế giới.


Toàn cảnh chiếc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đậu ngoài khơi Vịnh Manila, Phi Luật Tân ngày thứ Tư, 7 tháng 8, 2019. Chiếc mẫu hạm khổng lồ này đến đây trong chuyến viếng thăm được gọi chính thức là thăm thiện chí, nhưng đồng thời cũng gởi một thông điệp đến Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ muốn các quốc gia trong khu vực Biển Đông hãy tuân theo luật quốc tế để giải quyết những tranh chấp về chủ quyền trên các hải đảo. Trong trường hợp Bắc Kinh không tuân luật quốc tế, như đã xem thường một phán quyết tại tòa án quốc tế mấy năm trước liên quan đến đơn kiện của Phi Luật Tân, và hiện đang tranh giành Bãi Tư Chính của Việt Nam, thì sao? (Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

 

MANILA - Một hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đang di chuyển xuyên qua Biển Đông nhằm mục đích cho thấy sức mạnh chống lại Trung Cộng, trong lúc Bắc Kinh đang uy hiếp các nước láng giềng nhỏ bé hơn trong những cuộc tranh chấp lãnh hải trong một khu vực thương mại hàng hải quan trọng của thế giới.
Theo tường trình của các hãng thông tấn AP và AFP, Hải Quân Hoa Kỳ đã mời các tướng lãnh Phi Luật Tân, các viên chức địa phương, và báo giới truyền thông lên chiếc mẫu hạm khổng lồ USS Ronald Reagan, để quan sát những chiến đấu cơ F/A-18 biểu diễn cất cánh và hạ cánh trên mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong lúc mẫu hạm tiến vào hải cảng Manila ngày thứ Tư.
Theo ghi nhân của các hãng thông tấn quốc tế, có mặt cùng với hàng không mẫu hạm, hay tàu sân bay, ở một khoảng cách xa vài dặm nhưng trong tầm nhìn là những chiến hạm được trang bị hỏa tiễn hành trình (cruise missile).
Trong cuộc nói chuyện với các phóng viên, Phó Đô Đốc Karl Thomas, chỉ huy trưởng của lực lượng hỗn hợp Task Force 70 và Carrier Strike Group Five, tuyên bố, “Khẩu hiệu của hàng không mẫu hạm này là Hòa bình qua sức mạnh.”

Phó Đô Đốc Karl Thomas nói rằng sự hiện diện của mẫu hạm Hoa Kỳ là nhằm gởi đi một thông điệp trong lúc các quốc gia đang tiếp tục những cuộc đối thoại ngoại giao về chủ quyền trên các hải đảo tại Biển Đông.
Trong nhiều thập niên, các quốc gia gồm Trung Cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Đài Loan, và Brunei đã tranh giành chủ quyền trên các hải đảo. Nhưng trong mấy năm gần đây Bắc Kinh đã tiến hành kế hoạch quân sự hóa quần đảo Trường Sa, cải tạo những bãi san hô thành những hải đảo có thể dùng làm căn cứ quân sự, nhằm mục tiêu chiếm quyền kiểm soát trên toàn Biển Đông bất chấp sự chống đối của các nước láng giềng.
Trước vấn đề tranh giành lãnh thổ này, Phó Đô Đốc Thomas nói, “Chúng tôi nghĩ rằng mọi người nên tuân theo luật pháp quốc tế, và sự hiện diện của chúng tôi cho phép chúng tôi cung cấp an ninh và sự ổn định trong lúc những cuộc đối thoại đang diễn ra.”


Các lính Hải Quân Mỹ gốc Phi Luật Tân đang đứng cạnh quốc kỳ Phi Luật Tân và một chiến đấu cơ F/A 18 trên mẫu hạm USS Ronald Reagan đậu ngoài khơi Manila Bay hôm thứ Tư. Cũng như Việt Nam, người Phi Luật Tân đang mong cầu Hoa Kỳ dùng sức mạnh quân sự để ngăn chặn sự xâm chiếm mà Trung Cộng đang thực hiện với hai quốc gia. (Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

 


Ông Thomas đã không nhắc đến tình hình đang căng thẳng giữa Trung Cộng và Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Sự luân chuyển hàng hóa thương mại qua khu vực Biển Đông được ước lượng là $3,4000 tỷ Mỹ kim trong năm 2016, theo nghiên cứu của Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies). Số tiền khổng lồ này tượng trưng cho khoảng 21% trên tổng số lượng mậu dịch toàn cầu trong năm đó. Thế nên sự tranh chấp tại Biển Đông (hay Nam Hải đối với Trung Cộng) cho thấy giá trị rất lớn và quan trọng của Biển Đông đối với các nước liên hệ.
Ngay cả Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte, người có khuynh hướng thân Bắc Kinh và chống Hoa Thịnh Đốn, cũng phải nhìn nhận rằng quân đội Hoa Kỳ cần phải có mặt tại Biển Đông để ngăn chặn thế lực của Trung Quốc. Mặc dù từng thốt những lời thô tục, khinh miệt Hoa Kỳ, vào tháng Sáu vừa qua, khi tàu Trung Cộng đâm vào tàu đánh cá của người Phi Luật Tân, ông Duterte kêu gọi Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ hãy luôn có mặt ngoài khơi Trung Quốc.

Rồi đến tháng Bảy, ông nói tiếp nhu cần cần có Mỹ tại Biển Đông, “Tôi sẽ gia nhập lực lượng Mỹ, tôi sẽ lên tàu cùng với đô đốc của Hải Quân Mỹ.”
Vì những lời lẽ mời gọi đó, mẫu hạm USS Ronald Reagan đã đến hải cảng Manila ngày thứ Tư, trên hành trình tuần tra Biển Đông để gởi thông điệp Hòa bình qua sức mạnh đến các quan chức ở Bắc Kinh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT