Điện Ảnh, Nghệ Thuật

"Chuyện Bà Thị Kính", Màn I: Đám cưới đầu Xuân và xung đột nội tâm của Thị Mầu

Anvi Hoàng/Viễn Đông Tuesday, 16/10/2012 - 03:00:15

Ông muốn vở opera mở đầu vào mùa xuân là mùa tìm kiếm bạn tình. Mùa hè là lúc hoạt động làng mạc sôi nổi thì thích hợp cho cảnh họp làng. Và mùa thu là liên tưởng đến khái niệm về cái chết và sự kết thúc một chu kỳ sống.

Hành trình một vở opera (kỳ 5)

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Vì ba điểm khác biệt giữa chèo Việt Nam và opera Tây về yêu cầu của dàn đồng ca, về logic, và về cách thức đối đáp, khi viết tuần bản (bằng tiếng Anh) của "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính", P.Q. Phan cần thực hiện cùng một lúc hai quá trình: dịch và dựng lại (reconstruct).
Đầu tiên là ông bỏ đoạn giáo đầu bởi vì trong opera có overture rồi và ông có thể dùng đoạn này làm “giáo đầu”. Chức năng của cả hai là như nhau: đều là để mọi người ổn định chỗ ngồi, chuẩn bị tinh thần để tập trung theo dõi câu chuyện sắp diễn ra.

Màn I, Cảnh 1
Trong tuần bản chèo, đây là cảnh Thiện Sĩ đến nhà Mãng Ông để hỏi cưới Thị Kính. Mãng Ông thuyết phục Thị Kính lấy Thiện Sĩ. Để chứng tỏ là con ngoan, Thị Kính đã đồng ý. Rồi hai trẻ cùng hát chúc mừng cuộc sống lứa đôi.
Trong chèo Việt Nam, cảnh này là hoàn hảo rồi, nhưng sân khấu opera Tây thì đòi hỏi Cảnh 1 phải có sự hoành tráng để làm khán giả “lóa mắt”, giống như là một yếu tố hấp dẫn tức thì để giữ chân khán giả. Vì vậy mà P.Q. Phan phải cho dàn đồng ca ra ngay ở Cảnh 1, và cũng là để thiết kế yếu tố thời gian. Dàn đồng ca vui nhộn tượng trưng cho mùa xuân, và yếu tố mùa sẽ đóng vai trò quan trọng trong vở opera "Chuyện Bà Thị Kính". Ông muốn vở opera mở đầu vào mùa xuân là mùa tìm kiếm bạn tình. Mùa hè là lúc hoạt động làng mạc sôi nổi thì thích hợp cho cảnh họp làng. Và mùa thu là liên tưởng đến khái niệm về cái chết và sự kết thúc một chu kỳ sống.
Do đó lời hát của dàn đồng ca khi lần đầu xuất hiện là về mùa xuân: đã đến xuân rồi, mọi vật tràn đầy sức sống, cuộc đời xanh tươi, và người ta đi tìm bạn tình. Đây cũng là lúc Thiện Sĩ bước ra và hát về cuộc sống cô đơn của mình và mong muốn tìm một người vợ. Cả đoạn này là hoàn toàn mới do P.Q. Phan soạn thêm. Rồi Thiện Sĩ đến nhà Mãng Ông để hỏi cưới Thị Kính, phần này được giữ nguyên như trong tuần bản chèo.
Khi Thị Kính đồng ý lấy Thiện Sĩ, ở cảnh này đã có dàn đồng ca sẵn trên sân khấu, sân khấu lại rộng và đầy đủ phương tiện, sao lại không làm cảnh một đám cưới luôn cho xôm tụ. Vì vậy mà sau khi Thị Kính đồng ý lấy Thiện Sĩ, thay vì cả hai hát một bài ca ngợi cuộc sống mới, P.Q. Phan viết thêm để cả hai gia đình Sùng và Mãng đều ở trên sân khấu cho cảnh đám cưới. P.Q. Phan cho gia đình Sùng đem lễ vật qua nhà Mãng, vừa để gợi ý một đám cưới vừa để báo trước những nghi hoặc sắp xảy ra. Người xem sẽ nhận thấy rằng gia đình Mãng thì nghèo và gia đình Sùng thì giàu, và họ sẽ đặt câu hỏi liệu cuộc hôn nhân này có lâu bền hay không. Mặc dù họ bỏ qua những khác biệt hiện thời để hát mừng đám cưới, nhưng lời hát lại là về bổn phận của người đàn bà mà không đả động gì đến đàn ông. Như thế là đặt nhiều áp lực lên đàn bà và ngụ ý rằng có chuyện gì xảy ra thì mọi tội lỗi sẽ được đổ lên đầu người đàn bà. Đây chẳng khác nào một điềm báo cuối Cảnh 1: một bên là hạnh phúc lứa đôi, một bên là điều gì đó ghê gớm sắp xảy ra. Thế là P.Q. Phan đã có kết thúc hoành tráng cho Cảnh 1.


Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên

Màn I, Cảnh 2

Thị Kính bị nghi là có ý giết chồng và bị đuổi ra khỏi nhà. Cảnh này được giữ nguyên, chỉ trừ việc P.Q. Phan nhấn mạnh hơn vai trò của Sùng Bà ở đây vì ông muốn giới thiệu nhiều kiểu người đàn bà khác nhau trong xã hội. Sự va chạm giữa người quyền quý như Sùng Bà và bình dân như Thị Kính tạo ra sự xung đột qua đó người xem nhận ra rằng đôi khi đàn bà cũng có thể rất ác với nhau. P.Q. Phan cho rằng đây là một điều thú vị cho người xem.

Màn I, Cảnh 3
Thị Kính quyết định không làm mất mặt cha già nên giả trai vào chùa đi tu. Cảnh này hầu như được giữ nguyên. Theo tuần bản chèo, Thị Kính lên chùa gặp Sư Cụ xin đi tu. Họ đối đáp trong một lúc để mô tả phút thăng hoa của Thị Kính khi trở thành thầy tu. Điều này rõ ràng là để tôn thờ việc trở thành thầy tu như một niềm hãnh diện chứ không có gì là đau thương cả. P.Q. Phan bỏ đoạn này là vì ông không muốn đưa yếu tố tôn giáo vào, cũng không muốn bảo với khán giả rằng trở thành thầy tu là một việc làm đem lại vinh dự hay đau khổ. Vì vậy Cảnh 3 kết thúc lúc Thị Kính hát và cắt tóc để cải trang làm sư ông.

Màn I, Cảnh 4
Trong tuần bản chèo, Thị Mầu lên chùa và tán tỉnh Thị Kính thật lâu nhưng không được gì. Cuối cùng từ bỏ ý định và tìm người khác tình tự. P.Q. Phan cho rằng đây là một trong những cảnh quan trọng nhất trong vở opera nhưng lại không lột tả hết được những xung đột trong tính cách nhân vật. Do đó ông dựng lại rất nhiều.
Cảnh trước lúc Thị Kính cắt tóc đi tu kết thúc vào mùa thu, vậy thì bây giờ lại là mùa xuân. Dàn đồng ca lại xuất hiện và hát về mùa xuân vì đây là lúc người ta đi chùa để cầu mong tìm được tình yêu. Thị Mầu đem oản lên chùa nhưng trên thực tế chỉ lợi dụng cơ hội này để tìm kiếm một người yêu trong đời. Dàn đồng ca tạo cảnh xuân vui nhộn, rồi Thị Mầu bước ra và tiếp tục hát về mùa xuân.
Trong tuần bản chèo, người xem chỉ nghe thấy tiếng Thị Mầu đối đáp một đoạn ngắn với bạn về việc nên đi chùa ngày nào. Trong tuần bản mới, P.Q. Phan quyết định tạo ra một nhóm bạn thật cho Thị Mầu vì hai lý do: để đóng vai nội tâm của Thị Mầu và để tạo ra xung đột. Trong mỗi con người đều có mặt tốt mặt xấu, giống như hai người bạn cạnh tranh liên tục để mách bảo mỗi người nên làm gì. Do vậy Thị Mầu và các bạn/nội tâm đối đáp liên tục để miêu tả sự xung đột bản thân. Đến khi Thị Mầu tán tỉnh Tiểu Kính Tâm thì mức độ liên tục và xung đột gia tăng để trở thành đối thoại tay ba giữa Thị Mầu, Tiểu Kính Tâm, và bạn của Thị Mầu tức nội tâm của Thị Mầu.
Vào thời điểm cao trào của Cảnh 4, cuộc nói chuyện này còn có sự tham gia của dàn đồng ca, lúc này đóng vai trò như là dư luận xã hội. Vậy là tổng cộng có 4 nhóm trong cuộc nói chuyện, có nghĩa là Thị Mầu cùng lúc phải đối phó với Tiểu Kính Tâm, với nội tâm của mình, và với cả dư luận xã hội. Không như trong chèo Việt Nam hầu như chỉ đơn giản miêu tả một chiều kích, bốn hướng xung đột như trên làm cho kịch tính của vở opera được nâng cao lên rất nhiều và đáp ứng đòi hỏi của một vở opera trên sân khấu Tây lớn.

Màn I, Cảnh 5
Kết thúc Màn I là Cảnh 5 khi Thị Mầu về nhà rồi tình tự với anh đầy tớ. Tuần bản mới không thay đổi những chi tiết này là vì bản thân việc tư tình đã tràn đầy kịch tính rồi. Khi cảnh kết thúc người xem không khỏi thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây. Thế là đủ hấp dẫn để người ta ngồi lại xem cho hết câu chuyện.

Kỳ 6 sẽ bàn đến chi tiết của Màn II và kết thúc hoành tráng của vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính".

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT