Hoa Kỳ

175 quốc gia ký thỏa thuận khí hậu, "Chúng ta đang chạy đua với thời gian"

Friday, 22/04/2016 - 11:05:36

Chính phủ Obama gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các thành viên tại Quốc Hội, trong việc thực hiện những mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính của Hoa Kỳ. Nhiều chính khách Cộng Hòa vẫn còn hoài nghi về chuyện liệu các hoạt động của con người có làm cho khí hậu biến đổi hay không, bất chấp sự đồng thuận áp đảo của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Những nhà lập pháp ấy cũng nghi ngờ về chuyện địa cầu có nóng lên dài hạn hay không.

Ông ký cho tương lai của cháu
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang ký tên vào cuốn lưu bút trong lúc đang bế cháu ngoại Isabelle Dobbs-Higginson, tại buổi lễ ký Hiệp Ước Paris tại Liên Hiệp Quốc, New York sáng thứ Sáu. Mặc dù có tới 175 quốc gia chấp thuận một thỏa ước nhằm giúp trái đất giảm bớt sự ô nhiễm không khí trong mấy thế hệ sắp tới, người ta vẫn lo ngại thỏa ước sẽ không được thi hành tại mỗi quốc gia. (Hình: Timothy A. Clary/ Getty Images)

 

NEW YORK - Ngoại Trưởng Mỹ John F. Kerry cùng với các nhà lãnh đạo của 174 quốc gia khác đã ký kết một hiệp ước, để làm giảm bớt lượng khí thải ra gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên. Đây là một phần của một nỗ lực toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động của khí hậu biến đổi có thể gây ra thảm họa.
Việc ký kết diễn ra vào sáng thứ Sáu, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, trùng hợp với Ngày Trái Đất, và đánh dấu “số lượng lớn nhất từ trước đến nay với các quốc gia ký kết một thỏa thuận quốc tế trong một ngày,” Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố.

Ông Ki-moon nói, “Chúng ta đang tạo kỷ lục trong phòng họp này, và đây là tin vui. Nhưng cũng có những kỷ lục bị phá ở bên ngoài.”Ông muốn nhắc đến những mức nhiệt độ nóng hơn bao giờ hết, được ghi nhận trong ba tháng đầu tiên của năm 2016. Những sự kiện khác gắn liền với tình trạng khí hậu thay đổi cũng đã gây ra mối quan tâm sâu sắc trên khắp thế giới: dải băng khổng lồ Greenland tan chảy trong mùa xuân này, nhiều hơn so với mức độ mà các nhà nghiên cứu đã từng nhìn thấy. Các rạn san hô nổi tiếng với những màu sắc ngoạn mục đang chuyển sang màu trắng trong những vùng biển ấm. Lúc này rạn san hô Great Barrier Reef trắng đi một cách chưa từng có.

Ông Ki-moon nói, “Chúng ta đang chạy đua với thời gian.” Việc ký kết diễn ra lúc 10 giờ 50, trễ mất một giờ so với thời biểu. Lý do là những bài diễn văn đọc dài dòng của các viên chức. Việc ký thỏa thuận là nhằm cam kết tuân thủ hiệp định đã đạt được bởi một đa số áp đảo của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tại các cuộc đàm phán về khí hậu ở Paris vào cuối năm ngoái. Các thương thuyết gia ở đó đã đồng ý áp dụng những biện pháp ngăn chặn, không để cho nhiệt độ toàn cầu tăng thêm quá 2 độ C, tức 3.6 độ Fahrenheit, vào cuối thế kỷ này. Các đảo quốc tham gia đàm phán lập luận rằng một mức thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, tức 1.5 độ C, là cần thiết để tránh tình trạng nước biển dâng lên tàn phá.

Chính phủ Obama gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các thành viên tại Quốc Hội, trong việc thực hiện những mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính của Hoa Kỳ. Nhiều chính khách Cộng Hòa vẫn còn hoài nghi về chuyện liệu các hoạt động của con người có làm cho khí hậu biến đổi hay không, bất chấp sự đồng thuận áp đảo của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Những nhà lập pháp ấy cũng nghi ngờ về chuyện địa cầu có nóng lên dài hạn hay không.

Nghị Sĩ James M. Inhofe (Cộng Hòa, Oklahoma), một người hoài nghi lâu năm, nói rằng bản tuyên bố, do Ủy Ban Quốc Tế Về Khí Hậu Biến Đổi của Liên Hiệp Quốc, “chứng minh rằng Liên Hiệp Quốc quan tâm tới việc thúc đẩy một lịch trình chính trị, nhiều hơn là quan tâm tới tính cách toàn vẹn khoa học.”

Nhưng với những hành động của họ ở New York vào hôm thứ Sáu, các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc, Brazil, Pháp, Congo, Ý, Morocco, và các quốc gia khác, khẳng định rằng tình trạng khí hậu thay đổi là có thực, và cam kết sẽ giải quyết tình trạng ấy. 

Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đã được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, khi ông tuyên bố rằng các quốc gia phát triển mức cao, như Canada của ông, Hoa Kỳ, và các nước trong Liên Hiệp Âu Châu, đều chịu trách nhiệm gây ra phần lớn trong lượng khí thải thúc đẩy khí hậu thay đổi. Ông nói rằng chính vì vậy những nước ấy phải giúp đỡ các nước nghèo hầu hết phải gánh chịu hậu quả.

Tràng pháo tay lớn nhất vang lên sau khi nam tài tử Leonardo DiCaprio xuất hiện. Anh là một ngôi sao điện ảnh từng đoạt giải thưởng, và là một người ủng hộ lâu năm thường lên tiếng về vấn đề môi trường. Anh là một trong những diễn giả cuối cùng. DiCaprio so sánh tình trạng khí hậu biến đổi với cuộc khủng hoảng tràn lan vào thời Abraham Lincoln: chế độ nô lệ.

Ngỏ lời với các chính trị gia và các giới chức, DiCaprio nói, “Vâng, chúng ta đã đạt thành tựu tại Paris.” Nhưng “đó sẽ là điều vô nghĩa, nếu quý vị trở về nước và không chịu thực hiện những lời hứa hẹn của thỏa thuận này.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT